Hà Tĩnh nằm ở khu vực Bắc Trung bộ, có 145 km đường biên giới giáp với hai tỉnh Bolykhămxay và Khămmuộn nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, có nhiều cảng biển lớn cùng với hệ thống đường giao thông, thuận lợi cho việc giao lưu văn hóa, hợp tác, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phó Thủ tướng nước CHDCND Lào và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh thăm Cảng Vũng Áng
Đại hội XII của Đảng đã đặt ra yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình và tạo điều thuận lợi để phát triển đất nước, trong đó thông tin đối ngoại là nhiệm vụ quan trọng, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên thế giới. Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVIII cũng xác định mục tiêu tổng quát “mở rộng hội nhập, huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực” để phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Đảng ta xác định đây là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời là sự thể hiện nhận thức, đánh giá của Đảng về vai trò to lớn của công tác đối ngoại nói chung và thông tin đối ngoại nói riêng trong tình hình mới.
Nhận thức được vai trò quan trọng của công tác thông tin đối ngoại trong việc huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tăng cường, đẩy mạnh triển khai về công tác thông tin đối ngoại và đã đạt được một số kết quả bước đầu tích cực, góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh Hà Tĩnh, củng cố và mở rộng quan hệ hợp tác với địa phương các nước và các tổ chức quốc tế, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới, khuyến khích, vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hướng về đầu tư, xây dựng quê hương.
Hà Tĩnh tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Cộng hòa Liên bang Đức năm 2017
Quan hệ hợp tác giữa tỉnh Hà Tĩnh và các đối tác quốc tế ngày càng được tăng cường và mở rộng, mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các tỉnh của Lào và Thái Lan ngày càng thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu, ổn định. Tỉnh đã đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực với các thành viên của Hiệp hội các tỉnh 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan có sử dụng đường 8, đường 12; các nước trong khu vực hành lang kinh tế Đông - Tây và tiểu vùng Sông Mêkông mở rộng; củng cố và đẩy mạnh hợp tác với các đối tác và cơ quan đại diện ngoại giao các nước tại Việt Nam như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Singapore, Mỹ, Canada, Pháp, Israel,... và các tổ chức quốc tế như: WB, IMF, ADB, IFAD, UNESCO… Xác định mối quan hệ hợp tác với nước CHDCND Lào là mối quan hệ hữu nghị, hợp tác đặc biệt, trong thời gian qua Hà Tĩnh luôn tăng cường hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực với các địa phương nước bạn Lào như: Bolykhămxay, Khăm Muộn, Savannakhet, thủ đô Viêng Chăn. Trong đó, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực là mối quan hệ hợp tác điển hình. Hiện nay có hơn 2.500 lưu học sinh Lào đang theo học tại các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh, hàng năm các trường tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa sinh viên Việt Nam với sinh viên Lào như: Festival văn hóa Lào - Việt, lễ hội ẩm thực Việt - Lào, Hội trại Việt - Lào... tổ chức Tết “té nước“ cho lưu học sinh và kiều bào Lào đang học tập, công tác, sinh sống trên địa bàn tỉnh. Thông qua các hoạt động góp phần tuyên truyền, giáo dục về truyền thống lịch sử truyền thống đoàn kết, liên minh chiến đấu, tình cảm thắm thiết, thủy chung, trong sáng của hai dân tộc Việt Nam - Lào trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước từ đó góp phần vun đắp, phát triển mối quan hệ ngày càng bền vững.
Hàng năm, Hà Tĩnh tổ chức hàng chục lượt đoàn cán bộ của tỉnh đi công tác nước ngoài và tiếp đón hàng trăm lượt khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Hà Tĩnh qua đó tranh thủ quảng hình ảnh văn hóa, con người Hà Tĩnh ra bên ngoài. Tỉnh luôn tạo điều kiện để đón tiếp, quản lý, hướng dẫn phóng viên báo chí nước ngoài vào tác nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan chuyên môn phối hợp với Trung tâm Hướng dẫn Báo chí nước ngoài - Bộ Ngoại giao thực hiện các quy trình thủ tục tiếp đón hàng chục đoàn phóng viên nước ngoài đến tác nghiệp tại địa phương như: Phóng viên Kênh truyền hình Deutsche Welle (Đức), CCTV (Trung Quốc), Nikkei, NHK, MBC (Nhật Bản) và Nhật báo Phố Wall (Mỹ)... đến tỉnh tác nghiệp, thực hiện các chương trình phóng sự, phim tài liệu, viết bài … về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, đất nước con người Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng đã góp phần tích cực thông tin, quảng bá các tiềm năng, thế mạnh, hình ảnh của tỉnh đến với bạn bè quốc tế.
Đoàn khách quốc tế đến tham quan Mộc bản Trường học Phúc Giang
Các cơ quan báo chí, các bản tin, trang thông tin điện tử thường xuyên mở các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề phản ánh, đăng tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quan điểm lập trường của Việt Nam trong các vấn đề quốc tế và khu vực; tuyên truyền, quảng bá thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước, quê hương; tuyên truyền các sự kiện chính trị, lịch sử quan trọng của đất nước, địa phương và thế giới; các vấn đề liên quan đến Biển Đông, vấn đề liên quan đến khắc phục sự cố môi trường biển Miền Trung, nỗ lực của chính quyền địa phương trong khắc phục hậu quả do thiên tai, lũ lụt gây ra; về công tác biên giới cắm mốc Việt Nam - Lào; các chuyến thăm của lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh đến các nước và lãnh đạo các nước, địa phương đến thăm Việt Nam và tỉnh Hà Tĩnh…. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã phối hợp quảng bá, đưa thông tin và hình ảnh Hà Tĩnh ra thế giới thông qua các kênh tuyên truyền về thông tin đối ngoại như: VOV5 - Đài Tiếng nói Việt Nam, VTV4 - Đài Truyền hình Việt Nam, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh, thu hút sự quan tâm, khai thác, hợp tác, đầu tư của các nước trong khu vực và trên thế giới đến với Hà Tĩnh.
Hiện nay, tỉnh đã tổ chức quản lý, vận hành ổn định Cụm thông tin đối ngoại Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo và Khu kinh tế Vũng Áng góp phần tăng cường cung cấp thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội đến với đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, rút ngắn khoảng cách về đảm bảo thông tin và hưởng thụ thông tin giữa các vùng miền, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân, phục vụ công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của tỉnh và đất nước.
Hà Tĩnh chỉ đạo các địa phương, lực lượng biên phòng ở biên giới tổ chức kết nghĩa các đơn vị cớ sở biên giới, các cụm dân cư giáp ranh với hai tỉnh Bolykhămxay, Khăm Muộn nước CHDCND Lào. Qua đó đã tăng cường thắt chắt mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp của nhân dân hai nước, tuyên truyền cho quần chúng nhân dân hai nước về chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, chống lại các luận điệu xuyên tạc chia rẽ tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào, tuyên truyền về các hiệp định biên giới mà hai bên đã ký kết để nhân dân cùng với chính quyền các cấp bảo vệ hệ thống mốc quốc giới, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển.
Chính nhờ làm tốt và có hiệu quả về thông tin tuyên truyền đối ngoại trong những năm qua, bạn bè thế giới, các nhà đầu tư nước ngoài hiểu hơn về Hà Tĩnh cũng như những tiềm năng thế mạnh của tỉnh, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011 - 2015 phát triển toàn diện, liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt trên 18%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. GRDP bình quân đầu người đạt trên 44 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011 - 2015 đạt trên 287 nghìn tỷ đồng, tăng 10 lần so với giai đoạn 2006 - 2010. Hà Tĩnh hiện có 749 dự án, trong đó có 680 dự án trong nước với số vốn đầu tư 100.234 tỷ đồng và 69 dự án FDI với số vốn trên 11,631 tỷ USD. Có 15 nước và vùng lãnh thổ vào đầu tư trên địa bàn, gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Brunei, Úc, Mỹ, Thái Lan, Philippines, Lào, Trung Quốc, Seychelles, CH Séc, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông, Samoa... Lĩnh vực văn hóa có những bước khởi sắc: Dân ca ví, giặm Nghệ - Tĩnh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Đại Thi hào dân tộc Nguyễn Du được UNESCO vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới; Mộc bản Trường học Phúc Giang được công nhận là di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới, Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO.
Lãnh đạo tỉnh làm việc với Đại sứ Quán Hàn Quốc
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được nói trên, công tác thông tin đối ngoại cũng còn một số hạn chế như: mặc dù có đổi mới nhưng một số nội dung thông tin chưa phong phú, chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin đa dạng của các nhóm đối tượng ở địa bàn trong và ngoài tỉnh, thiếu hấp dẫn, sức thuyết phục chưa cao, công tác đấu tranh dư luận chưa được tiến hành một cách có hệ thống, việc ứng dụng các công nghệ mới vào thông tin đối ngoại còn hạn chế. Lực lượng làm công tác thông tin đối ngoại còn mỏng, cán bộ còn thiếu và chưa đồng đều về chuyên môn, năng lực công tác, nguồn kinh phí dành cho hoạt động thông tin đối ngoại còn chưa hợp lý và thỏa đáng...
Thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục xác định công tác thông tin đối ngoại góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội chính vì vậy sẽ tăng cường quảng bá hình ảnh, tiềm năng lợi thế của tỉnh ra bên ngoài, mở rộng hội nhập, tranh thủ mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết lần thứ XVIII của Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh đề ra.