(Baohatinh.vn) - Một ngày đầu xuân, tôi có dịp “tháp tùng” Chủ tịch Hội đồng hương Hà Tĩnh tại CHLB Đức gặp gỡ những kiều bào người Hà Tĩnh đang về quê ăn tết. Câu chuyện của họ gợi liên tưởng nhiều chiều, nhưng tựu trung là tâm huyết góp sức mình cho quê hương ngày càng phát triển.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh gặp gỡ các doanh nhân là việt kiều Đức vào ngày mùng 4 Tết Mậu Tuất.
“Quê hương mỗi người chỉ một” – thật đúng vậy! Một ngày với mong muốn gặp nhiều người quả là thời gian ít ỏi với một người từ trời Âu về nước. Ông Nguyễn Đình Xuân - Chủ tịch Hội Đồng hương Hà Tĩnh tại CHLB Đức (được nhiều người gọi là Philip Nguyễn) đã lên kế hoạch rất cụ thể. Cuộc gặp đầu tiên tôi chứng kiến là sự hội ngộ tại TP. Vinh (Nghệ An) giữa ông Xuân cùng ông Nguyễn Hà Nguyên (Việt kiều Đức, quê gốc tại Đức Thọ) và ông Martin, giám đốc một công ty điện gió tại Đức. Câu chuyện của họ xoay quanh mong muốn đưa công nghệ điện năng lượng gió về quê hương Hà Tĩnh.
Ông Nguyễn Hà Nguyên nói: “Toàn bộ công nghệ năng lượng là của Đức, điều quan trọng là hai bên phải có sự gặp gỡ và đi đến các thoả thuận hợp tác”.
Sau cuộc tâm tình, Nguyễn Đình Xuân về xã Xuân Thành (Nghi Xuân) gặp ông Trần Văn Sơn (việt kiều Đức) – người đang xúc tiến một dự án quan trọng nhằm khoác tấm áo mới cho Khu du lịch biển Xuân Thành. Cuộc gặp của những người đồng hương Hà Tĩnh bên Đức ngay tại quê nhà thật ấm áp, tình nghĩa.
Bên ly rượu trong phòng làm việc của giám đốc chi nhánh công ty trực thuộc quản lý của ông Sơn, 2 kiều bào tâm sự cởi mở. Giới thiệu với tôi, ông Xuân nói: “Đây là ông Sơn, Giám đốc - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hợp tác thương mại toàn cầu. Hiện Sơn đang xúc tiến đầu tư khu nghỉ dưỡng cao cấp tại bãi biển Xuân Thành, với tổng mức gần 200 tỷ đồng”.
Ông Nguyễn Đình Xuân gặp gỡ ông Trần Văn Sơn tại trụ sở Chi nhánh Công ty CP Hợp tác toàn cầu tại Xuân Thành (Nghi Xuân).
Ông Sơn nhìn về phía tôi trao đổi: “Trong chuyến công tác của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh tại CHLB Đức năm 2017, phía công ty đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác với tỉnh. Dự án của chúng tôi gồm khu nghỉ dưỡng cao cấp và hệ thống nhà hàng, đầu tư trên diện tích 13ha. Dự kiến, khoảng tháng 3 theo lịch âm, dự án sẽ khởi công”.
Khi được hỏi, lý do nào thôi thúc ông đầu tư vào bãi biển Xuân Thành, nơi thời gian khai thác chủ yếu là ít tháng mùa hè, ông Sơn nói: “Tôi luôn suy nghĩ, tuổi trẻ thì điều quan trọng là phải làm gì đó cho quê hương. Tôi đầu tư vào Xuân Thành không phải vì mục tiêu kinh tế. Nếu vì kinh tế, tôi sẽ đầu tư tại các tỉnh khác, nơi có thể khai thác gần như quanh năm. Mong muốn của tôi là nâng tầm khu du lịch Xuân Thành, nơi tôi sinh ra. Từ dự án của tôi sẽ kéo theo nhiều dịch vụ khác phát triển, qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương”.
Ông Sơn cũng bộc bạch: “Ý tưởng đầu tư vào bãi biển hình thành mới hơn 1 năm và quyết tâm nhất là từ khi tỉnh chủ trương xoá bỏ những tệ nạn tại Xuân Thành”. Cuộc gặp gỡ của chúng tôi kéo dài mãi tận khi đèn đường bật sáng. Mọi người trao đổi về những tâm tư sau khi Hà Tĩnh tổ chức cuộc gặp gỡ kiều bào ngay trước thềm tết Nguyên Đán, những gửi gắm trong bài phát biểu của ông Sơn hôm đó.
Cũng với tâm tư về mở rộng kết nối, khi đêm đã buông, ông Xuân về thôn Xuân Phượng, xã Xuân Lộc (Can Lộc) gặp gỡ ông Nguyễn Hữu Thao – Chủ tịch Hội Đồng hương Nghệ Tĩnh tại Bungari, người cũng đã định cư bên nước người từ những năm cuối 80 thế kỷ trước, như ông Xuân. Đêm muộn, nhưng câu chuyện dường như vẫn mới bắt đầu. So với Việt kiều gốc Hà Tĩnh tại Đức (khoảng hơn 10 ngàn người), Việt kiều tại Bungari có số lượng ít hơn nhưng tâm huyết về quê hương vẫn luôn đau đáu. Ngoài kết nối trong hợp tác, năm 2016, kiều bào Bungari đã tích cực ủng hộ đồng bào bị bão lụt tại Hương Khê và tỉnh Quảng Bình với hơn 100 triệu đồng xây nhà chống lũ. Năm 2018, kiều bào Nghệ Tĩnh tại Bungari còn mong muốn xây một số căn nhà chống lũ cho người Hương Khê.
Chủ tịch Hội Đồng hương Hà Tĩnh tại CHLB Đức Nguyễn Đình Xuân trò chuyện với Chủ tịch Hội đồng hương Nghệ Tĩnh tại Bungari Nguyễn Hữu Thao tại nhà ông Thao ở Xuân Lộc (Can Lộc).
“Cuộc gặp gỡ vừa rồi do tỉnh tổ chức thật ý nghĩa, xúc động. Cuộc gặp càng ý nghĩa hơn khi được tổ chức tại một nơi sang trọng, cũng là nơi do Việt kiều, tức ông Phạm Nhật Vượng, đầu tư” – ông Thao trò chuyện. Nói về tình cảm của tỉnh, ông Xuân vui mừng kể lại cuộc gặp mặt thân tình mà Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh đã dành cho ông khi ông vừa về Hà Tĩnh đầu năm mới. Chủ tịch UBND tỉnh cùng ông và một số người đã trao đổi về những tâm tư của kiều bào, các kết nối đầu tư giữa doanh nghiệp trong tỉnh và tại Đức. Bước đầu, một số sản phẩm của Hà Tĩnh sẽ được doanh nghiệp kiều bào Đức quan tâm, mong muốn sẽ có mặt tại hệ thống cửa hàng, siêu thị tại Berlin (Đức).
Hôm đó, trời về đêm mưa bay nhiều, gió lạnh bắt đầu thổi đợt rét mới, trong căn phòng nhà ông Thao, tiếng cười vẫn ấm áp, khác hẳn cái lạnh bên ngoài. Trước giờ chia tay, ông Thao đọc lại những câu thơ mà ông cảm tác tại buổi gặp gỡ kiều bào do tỉnh tổ chức. Lời thơ dư âm mãi trong chúng tôi trên đường về: Con ơi! Hôm nay bố về đây/ Những ngày tết trên quê hương Hà Tĩnh/ Như bố từng kể các con nghe về sông La, Hồng Lĩnh/ Ngàn Phố, Ngàn Sâu, cửa Sót, sông Nghèn (…) Vui lắm con ơi/ Lãnh đạo tỉnh cùng bà con thân mật/ Nghe thành tích của quê nhà sau bao tháng năm chật vật/ Đã vươn lên phát triển ngang tầm.