Báo cáo về công tác bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) tại buổi họp báo thường kỳ quý III của Bộ TN&MT diễn ra chiều 20/9 cho thấy, đến nay, FHS đã khắc phục xong các lỗi vi phạm hành chính...
Tháng 3/2019 hoàn thành công nghệ làm nguội cốc khô
Riêng việc thay đổi phương pháp làm nguội than cốc từ ướt sang khô (đang sử dụng phương pháp làm nguội ướt, không làm phát sinh nước thải ra môi trường), FHS đã hoàn thành thăm dò địa chất, đánh giá kỹ thuật và lựa chọn công nghệ làm nguội cốc khô (Coke Dry Quenching - CDQ) của Công ty Nippon Steel (Nhật Bản), dự kiến tháng 3/2019 sẽ hoàn thành hệ thống CDQ số 1 và tháng 6/2019 sẽ hoàn thành hệ thống CDQ số 2 theo cam kết với Chính phủ Việt Nam.
Hồ sự cố của Formosa...
Để kiểm soát chặt chẽ các thông số môi trường trong nước tuần hoàn đập cốc, trong giai đoạn chờ chuyển đổi sang hệ thống CDQ, FHS đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 2 Trạm xử lý nước tuần hoàn dập cốc, với công suất 12.000 m3/ngày/trạm, đảm bảo đạt QCVN trước khi tái sử dụng. Tổng cục Môi trường đã yêu cầu FHS khẩn trương báo cáo Bộ phương án chi tiết lắp đặt bổ sung 2 hệ thống CDQ để xem xét, có ý kiến trước khi triển khai thực hiện.
Để đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế theo như cam kết và theo yêu cầu của Bộ TN&MT tại Quyết định số 2604/QĐ-BTNMT ngày 09/11/2016, FHS đã phối hợp với các cơ quan khoa học kỹ thuật, các chuyên gia về môi trường trong nước và quốc tế thực hiện kế hoạch cải thiện, bổ sung công trình xử lý chất thải, với tổng kinh phí là 343,921 triệu USD. Hiện nay, các hạng mục công trình xử lý chất thải bổ sung đã hoàn thành, được lắp đặt các thiết bị quan trắc tự động liên tục, có camera theo dõi, giám sát và truyền trực tiếp số liệu về Sở TN&MT Hà Tĩnh và Tổng cục Môi trường để kiểm tra, giám sát.
FHS đã hoàn thành hệ thống hồ sự cố kết hợp hồ sinh học được xây dựng trên diện tích 10 ha, đảm bảo ứng phó được các sự cố về nước thải có thể xảy ra ở 3 cấp độ (gồm: (i) Ứng phó sự cố ngay trong các công đoạn của trạm xử lý nước thải (XLNT); (ii) Ứng phó sự cố đối với nước thải sau xử lý tại các trạm XLNT; và (iii) Ứng phó sự cố đối với hệ thống hồ sự cố kết hợp hồ sinh học) và tiếp tục xử lý nước đạt chất lượng tốt hơn đối với 2 dòng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn quy định tại Trạm XLNT sinh hóa và Trạm XLNT công nghiệp.
Hệ thống hồ sinh học được FHS vận hành từ ngày 23/7/2017 (trước khi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vào kiểm tra ngày 24/7/2017) và đang phát huy tốt vai trò xử lý nước thải bậc 3 cũng như trong ứng phó các sự cố đối với nước thải.
Nước thải, khí thải của FHS đều đạt quy chuẩn cho phép
Về hoạt động kiểm tra, giám sát về môi trường đối với FHS, trước khi vận hành Lò cao số 1 (từ ngày 27/7/2016 đến 29/5/2017), Bộ TN&MT đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của tỉnh Hà Tĩnh tiến hành giám sát thường xuyên, liên tục việc khắc phục hậu quả của FHS. Kết quả giám sát thường xuyên do Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) thực hiện, kết quả kiểm tra đối chiếu của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 (Bộ KH&CN), Trung tâm Quan trắc môi trường (Tổng cục Môi trường) và cho thấy nước thải, khí thải của FHS đều đạt quy chuẩn cho phép. Kết quả quan trắc nồng độ Tổng Dioxin/Furan tại ống khói Xưởng thiêu kết đo 03 lần ngày 17-18/02/2017 là 0,361-0,388 TEQ ng/Nm3 đạt QCVN 51:2013/BTNMT cho phép là ≤ 0,48 TEQ ng/Nm3.
FHS đã thực hiện phân định các loại chất thải rắn phát sinh để quản lý theo quy định. Tro bay, xỉ và thạch cao của Nhà máy điện được quản lý theo Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ (đã xuất khẩu thạch cao, xỉ hạt lò cao sang Philippines, Đài Loan); bùn thải sinh hoạt, công nghiệp, sinh hóa và chất thải nguy hại hiện nay chuyển giao cho Công ty TNHH MTV chế biến chất thải công nghiệp Hà Tĩnh xử lý.
FHS cũng đã ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty Cổ phần xử lý tái chế chất thải Công nghiệp Hòa Bình và Tập đoàn Xi măng Thành Công là những đơn vị có Giấy phép xử lý tro, xỉ, thạch cao, chất thải rắn, chất thải nguy hại khi lượng chất thải phát sinh lớn; đang tiếp tục nghiên cứu để có phương án tái chế, tái sử dụng chất thải theo quy định.
... kết hợp hồ sinh học đảm bảo ứng phó các sự cố về nước thải. Trong ảnh là cảnh đàn cá bơi lội tung tăng trong hồ sinh học của FHS
Sau khi vận hành Lò cao số 1 (từ ngày 29/5/2017 đến nay), Bộ TN&MT đã thực hiện rà soát tổng thể các công trình bảo vệ môi trường phục vụ vận hành Lò cao số 1 và các công trình phụ trợ, đảm bảo đáp ứng yêu cầu xử lý và quản lý chất thải phát sinh khi FHS vận hành; đã tiến hành khảo sát, lấy mẫu chất thải và môi trường nước biển, nước mặt, nước ngầm, không khí xung quanh trước khi vận hành Lò cao số 1 (do Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 và Trung tâm Quan trắc môi trường thực hiện) để đối chứng với kết quả do FHS phối hợp với Viện Công nghệ môi trường thực hiện. Kết quả quan trắc này sẽ được so sánh với kết quả quan trắc sau khi FHS vận hành Lò cao số 1, để theo dõi diễn biến, sự thay đổi các thành phần môi trường xung quanh (nếu có) khu vực hoạt động của FHS.
Trong quá trình vận hành Lò cao số 1, hàng ngày Tổ giám sát của Bộ TN&MT và tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc FHS thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, vận hành liên tục các hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động liên tục và truyền số liệu trực tiếp về Sở TN&MT tỉnh Hà Tĩnh để kiểm tra, giám sát; tiến hành lấy, phân tích mẫu nước thải (03 lần/ngày) và lấy mẫu khí thải hàng ngày, trong đó phân tích thông số Dioxin/Furan tại tất cả các ống khói đang hoạt động của FHS (do Trung tâm Quan trắc môi trường và Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga) thực hiện.
Cụ thể: Nước thải sau xử lý trước khi thải ra môi trường đạt QCVN 52:2013/BTNMT, QCVN 40:2011/BTNMT cột B và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế; khí thải sau khi qua các thiết bị xử lý đều đạt QCVN 51:2013/BTNMT, QCVN 19:2009/BTNMT và QCVN 22:2009/BTNMT cột B và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt nồng độ Tổng Dioxin/Furan hầu hết không phát hiện hoặc phát hiện ở nồng độ rất thấp tại các ống khói (đo 03 lần từ ngày 30/5/2017 - 13/6/2017 do Trung tâm Quan trắc môi trường và Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga thực hiện đồng thời, độc lập để đối chiếu, so sánh kết quả với quy chuẩn theo QCVN 51:2013/BTNMT cho phép là ≤ 0,48 TEQ ng/Nm3), cụ thể: (i) tại ống khói Xưởng thiêu kết là 0,009-0,22 TEQ ng/Nm3; (ii) tại ống khói Lò cốc là 0,026-0,41 TEQ ng/Nm3; (iii) tại ống khói Lò cao là 0,05-0,09 TEQ ng/Nm3; (iv) tại ống khói Lò chuyển là 0,008-0,04 TEQ ng/Nm3; (v) tại ống khói Nhà máy nhiệt điện là 0,006-0,076 TEQ ng/Nm3.
Kết quả đo đạc mẫu nước biển ven bờ, nước mặt tại kênh thoát nước mưa, nước ngầm, trầm tích đáy và không khí xung quanh khu vực hoạt động của FHS cho thấy chất lượng môi trường đều đảm bảo quy chuẩn quy định, không có sự thay đổi chất lượng môi trường trước, sau khi vận hành Lò cao số 1 và tương đồng với kết quả đánh giá hiện trạng môi trường khu vực triển khai Dự án khi FHS lập các báo cáo ĐTM (năm 2008).
Về quản lý chất thải rắn, Bộ TN&MT đã yêu cầu FHS tiếp tục lấy mẫu, phân tích các loại chất thải rắn mới phát sinh để phân loại, phân định và quản lý theo quy định; khẩn trương trình Bộ phương án tổng thể về tái chế, tái sử dụng chất thải rắn trong nội bộ dự án nhằm đạt mục tiêu không lưu giữ xỉ thải tại bãi chứa diện tích 143 ha đã được xây dựng.
Nghiên cứu phương án xả nước thải bề mặt thay cho xả ngầm ra biển
Trong thời gian tới, Bộ TN&MT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của tỉnh Hà Tĩnh, các Bộ, ngành, cơ quan khoa học, các chuyên gia về môi trường định kỳ kiểm tra, giám sát và đôn đốc FHS khẩn trương thực hiện một số công việc yêu cầu.
Đó là, định kỳ và đột xuất kiểm tra, yêu cầu FHS khẩn trương hoàn thành hạng mục bổ sung xây dựng hệ thống CDQ số 1 và 2 theo yêu cầu tại Quyết định số 2604/QĐ-BTNMT; đôn đốc FHS hoàn thành phương án tổng thể tái chế, tái sử dụng chất thải rắn trong khuôn viên Dự án nhằm hạn chế tối đa lượng chất thải rắn phải lưu giữ tại bãi thải xỉ lấn biển; đôn đốc, yêu cầu FHS khẩn trương phối hợp với các cơ quan khoa học nghiên cứu phương án xả nước thải bề mặt thay cho phương án xả ngầm ra biển như hiện nay;
Khẩn trương tập trung các nguồn lực để triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường biển 4 tỉnh miền Trung”; tổ chức kiểm tra việc hoàn thành các hạng mục công trình bảo vệ môi trường phục vụ vận hành thử nghiệm Xưởng luyện cốc số 2 (Lò cốc số 3&4) và Máy thiêu kết số 1 theo thông báo của FHS (dự kiến triển khai từ ngày 24/9/2017); tổ chức Đoàn kiểm tra việc hoàn thành công trình bảo vệ môi trường đối với 10 hạng mục chính của dự án theo đề nghị của FHS (dự kiến triển khai từ ngày 24/9/2017).