(Baohatinh.vn) - Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế ra đời như một luồng gió mới để Hà Tĩnh cùng các địa phương trong cả nước chủ động “vươn ra biển lớn”, hợp tác, hội nhập và phát triển với bạn bè quốc tế.
Nâng cao vị thế quốc tế
Nghị quyết 22 xác định hội nhập quốc tế của nước ta thời gian tới phải hướng tới cả 3 nhóm mục tiêu cơ bản là phát triển, an ninh và nâng cao vị thế quốc tế của đất nước. Ngay sau khi Nghị quyết 22-NQ/TW ra đời, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu, ban hành nhiều văn bản, quyết định, chỉ thị liên quan đến hội nhập, đồng thời, tập trung cao trong công tác tuyên truyền để nghị quyết đi vào cuộc sống.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Tất Thắng trao đổi với nhà đầu tư trong chuyến xúc tiến đầu tư tại CHLB Đức
Bám sát mục tiêu, quan điểm chỉ đạo đến các nội dung cơ bản của hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực và các định hướng giải pháp lớn để triển khai thực hiện, Hà Tĩnh tiếp tục củng cố, đẩy mạnh và phát triển sâu, rộng hơn nữa mối quan hệ hữu nghị với các đối tác truyền thống như: các tỉnh nước bạn Lào, Vương quốc Thái Lan để thường xuyên trao đổi, giao lưu về GD&ĐT, y tế, văn hóa, phát triển kinh tế và hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật; đẩy mạnh thiết lập quan hệ với các đại sứ quán, tổng lãnh sự quán Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan đại diện ngoại giao ở Việt Nam nhằm tạo thuận lợi cho công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư. Đồng thời, tăng cường quan hệ, hợp tác với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ để vận động viện trợ ODA, NGO.
Trong 2 năm gần đây, Hà Tĩnh đã xúc tiến thiết lập mối quan hệ hữu nghị, hợp tác mới với các tỉnh, thành phố của các nước có nhiều điểm tương đồng với tỉnh Hà Tĩnh và có tiềm năng, thế mạnh trong việc hợp tác phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa. Trong các chuyến làm việc với Bộ Ngoại giao, lãnh đạo tỉnh đã đề xuất tiếp tục giúp đỡ để tỉnh Hà Tĩnh kết nối, hợp tác với tỉnh Kanagawa (Nhật Bản) và thành phố Dangjin (Hàn Quốc)... Qua các chuyến làm việc với Đại sứ quán Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Canada... đã thắt chặt thêm mối quan hệ hữu nghị, đồng thời, đề nghị các đại sứ quán giúp đỡ trong việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Hà Tĩnh, giúp kết nối, vận động các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Hà Tĩnh.
Năm 2014–2015, Hà Tĩnh đã tổ chức 8 hội nghị cấp cao với các tỉnh của Lào, Thái Lan nhằm đánh giá kết quả hợp tác và định hướng, thúc đẩy các hoạt động tiếp theo; tham gia hoạt động của các nước trong hành lang kinh tế Đông – Tây tại Vân Nam (Trung Quốc). Với sự tham gia tích cực, có hiệu quả vào các hoạt động nói trên, tỉnh Hà Tĩnh đã tạo được vị thế quan trọng trong Hiệp hội và khu vực.
Phát triển kinh tế, đảm bảo QP-AN
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị và Chương trình 274 của UBND tỉnh về hội nhập quốc tế, Hà Tĩnh đang ngày càng hội nhập sâu, rộng và tại chỗ. Việc vận động các nguồn lực bên ngoài đầu tư vào tỉnh đã tạo đà cho sự phát triển và khơi dậy được các tiềm năng, nguồn lực tại chỗ, làm cơ sở cho sự phát triển nhanh, bền vững của tỉnh.
Tàu vào “ăn” hàng tại cảng Vũng Áng.
Hợp tác được xác định là rất quan trọng cho mục tiêu phát triển KT-XH nhanh, bền vững, góp phần giữ vững an ninh chính trị, TTATXH trên địa bàn, tạo môi trường hòa bình, ổn định. Dấu ấn rõ nét của bức tranh đầu tư nước ngoài đó là dự án FDI lớn nhất Việt Nam - Khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương của Tập đoàn FORMOSA Đài Loan đã triển khai đồng loạt các hạng mục và chuẩn bị hoàn thành giai đoạn 1 theo đúng tiến độ cam kết.
Từ dự án “lõi” này, KKT Vũng Áng đang dần phát triển thành KKT đa ngành, đa lĩnh vực, nơi có cảng biển nước sâu và trung tâm công nghiệp nặng với các ngành chủ đạo là luyện thép và nhiệt điện. Ở đây đang thu hút 400 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký gần 17 tỷ đô la, thu hút hơn 40.000 lao động thuộc 28 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Môi trường đầu tư, SXKD sôi động ở đây đã lan tỏa, tác động đến tất cả các lĩnh vực KT-XH trên toàn tỉnh, là đầu tàu tạo nên sự bứt phá mạnh mẽ của Hà Tĩnh.
Cùng với thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, Hà Tĩnh đã tranh thủ được nguồn viện trợ ODA khá lớn với hơn 30 chương trình, dự án ODA, tổng vốn đầu tư trên 7.600 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh có hơn 100 tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động. Các tổ chức đã tài trợ trên 260 chương trình, dự án, chủ yếu đầu tư các lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục, NN&PTNT, môi trường, chống biến đổi khí hậu và viện trợ khẩn cấp.
Song song với phát triển kinh tế, Hà Tĩnh cũng thực hiện tốt hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực: y tế, văn hóa, giáo dục và đảm bảo QPAN. Hà Tĩnh đã tích cực, chủ động tham gia và tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch với các tỉnh Lào, Thái Lan, hội người Việt Nam ở nước ngoài để quảng bá hình ảnh, con người Hà Tĩnh đến với bạn bè quốc tế. Các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh đã chủ động mở rộng quan hệ hợp tác và ký các biên bản ghi nhớ về hợp tác đào tạo với các trường đại học, cao đẳng của Lào, Thái Lan. Bên cạnh đó, các trường đã triển khai hiệu quả nhiều chương trình hợp tác, liên kết đào tạo với các nước khác như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc, Canađa, Mỹ…
Trên lĩnh vực QPAN, Hà Tĩnh duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, chủ động nắm chắc tình hình biên giới, bờ biển; chú trọng xây dựng thế trận QPAN, cơ sở an toàn làm chủ; tổ chức lực lượng bảo vệ an toàn tuyệt đối các đoàn khách quốc tế về thăm và làm việc, các sự kiện lớn diễn ra trên địa bàn; chỉ đạo triển khai các đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm ở địa bàn trọng điểm; tăng cường công tác quản lý xuất nhập cảnh, quản lý nhân, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng, ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự.
Tin tưởng rằng, trong thời gian tới, cùng với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự nỗ lực của toàn quân, toàn dân, đặc biệt là các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Hà Tĩnh sẽ tiếp tục thực hiện tốt, hiệu quả Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 -2020.