Trong khuôn khổ các hoạt động của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam năm 2017, ngày 21/9, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đã diễn ra hội nghị các quan chức cao cấp APEC về quản lý thiên tai lần thứ 11.
Các đại biểu chủ trì hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng nhận định: Khu vực châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có nền kinh tế năng động và đầy bản sắc văn hóa. Khu vực đang hướng tới mục tiêu phát triển hòa bình và thịnh vượng trên thế giới, nhưng cũng là khu vực hứng chịu nhiều rủi ro thiên tai nhất trên thế giới. Việt Nam là nước thường xuyên phải hứng chịu nhiều thiên tai: bão, lũ lụt, hạn hán gây thiệt hại nhiều về người và tài sản.
Theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, hội nghị là một cơ hội lớn để Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm trong phòng chống thiên tai cũng như là cơ hội để Việt Nam được học hỏi kinh nghiệm quý báu từ các nền kinh tế, làm cho năng lực quản lý rủi ro thiên tai không chỉ của Việt Nam mà cả các nước APEC và trên thế giới ngày càng tốt hơn.
Thứ trưởng cũng mong muốn, hội nghị thống nhất một bản khuyến nghị chung gửi cấp lãnh đạo các nên kinh tế để quan tâm, thúc đẩy các hoạt động tăng cường hợp tác để phát triển và đổi mới công nghệ tiên tiến nhằm hỗ trợ hiệu quả công tác phòng chống thiên tai liên vùng tại các nền kinh tế APEC. Trong đó, chú trọng các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu trước thiên tai, ứng phó khẩn cấp, tái thiết tốt hơn sau thiên tai, đầu tư cơ sở hạ tầng thông tin được xác định là những ưu tiên hàng đầu.
Báo cáo tại hội nghị các quan chức cao cấp APEC cho biết: Theo Nhóm ứng phó khẩn cấp thảm họa thiên tai (EPWG - APEC), Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi nhiều loại hình cả thiên tai và nhân tai. Khái niệm "Bình thường mới” (hay New Normal) được sử dụng để phản ánh việc tình hình thiên tai hiện nay ngày càng phức tạp và không thể dự đoán trước cả về tần xuất, cường độ và mức độ tàn phá. Trung bình mỗi thập kỷ, khu vực châu Á - Thái Bình Dương chịu ảnh hưởng của khoảng 40% các đợt thiên tai trên thế giới.
Đây cũng là khu vực từng trải qua nhiều trận thiên tai lịch sử như sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004, trận lũ lịch sử tại Thái Lan năm 2011, siêu bão Koppu đổ bộ vào Philippines năm 2015, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Chỉ cách đây hơn một tuần, hai cơn bão Harvey và Irma đã liên tục tàn phá nước Mỹ với những hậu quả tác động nặng nề đến các đảo và tiểu bang Texas và Florida.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ông Hoàng Văn Thắng phát biểu tại hội nghị.
Còn tại Việt Nam, thiên tai gần đây xảy ra ngày càng khốc liệt, điển hình là trận lũ quét tại các tỉnh Sơn La, Yên bái và một số tỉnh lân cận đã làm 42 người chết và mất tích.
Chỉ cách đây mấy ngày, cơn bão số 10 có tên quốc tế là Doksuri được cho là mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây đã quét qua địa bàn các tỉnh Miền Trung gây thiệt hại nghiêm trọng làm 9 người thiệt mạng, khoảng 193.000 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 385 triệu USD.
Thực tế cho thấy, hoạt động kinh tế càng phát triển thì rủi ro do thiên tai gây ra có thể càng lớn, nhất là ở những nước có sự phát triển thiếu đồng bộ về nhiều mặt. Vì thế, công tác phòng, chống thiên tai là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và được ưu tiên hàng đầu, là yếu tố quan trọng, quyết định đến quy mô, tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo.
Công tác này đòi hỏi phải có giải pháp tổng thể, bên cạnh các kinh nghiệm truyền thống, cần tiếp tục phát triển các cơ sở hạ tầng thiết yếu và đặc biệt là tăng cường, phát triển các công cụ hỗ trợ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và khoa học công nghệ trong dự báo, cảnh báo và quản lý thiên tai tổng hợp. Hoạt động về phòng, chống thiên tai cũng cần được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành và từng địa phương.
Hội nghị các quan chức cao cấp về quản lý thiên tai lần thứ 11 tập trung vào các vấn đề tăng cường hợp tác và đổi mới công nghệ tiên tiến hỗ trợ hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai như:
- Chia sẻ, trao đổi về công tác ứng dụng công nghệ, tăng cường thông tin truyền thông và hợp tác liên vùng đặc biệt là hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ để tăng cường hiểu biết chung về thiên tai “Bình thường mới” và những rủi ro thiên tai đang diễn ra xung quanh chúng ta.
- Phát triển các giải pháp vận hành hạ tầng thông tin trong công tác điều hành, ứng phó với thiên tai.
- Đổi mới khoa học, công nghệ trong công tác phòng, chống các loại hình thiên tai “Bình thường mới”, trong đó tập trung giải quyết vấn đề sạt lở dải ven bờ, sạt lở đất và lũ quét, bão mạnh và siêu bão, sóng thần.
Việt Nam là thành viên của APEC và cũng là một trong những nền kinh tế thường xuyên phải hứng chịu sự ảnh hưởng nặng nề bởi nhiều loại hình thiên tai.
Các đại biểu thăm quan công trình hồ chứa nước Yên Lập do Viện khoa học thủy lợi Việt Nam - Trung tâm công nghệ phần mềm thủy lợi đảm nhận.
Các đại biểu xem mô hình cụm công trình "Xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nông thôn, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó đối với biến đổi khí hậu" của Công ty thoát nước và phát triển đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trong khuôn khổ hội nghị các quan chức cao cấp APEC về quản lý thiên tai lần thứ 11, Prudential Việt Nam đã trao 50 triệu đồng cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại Hà Tĩnh. Đặc biệt, trước những hậu quả nghiêm trọng mà cơn bão số 10 vừa gây ra, Prudential cũng dự kiến trao tặng thêm 100 triệu đồng cho tỉnh Hà Tĩnh, nhằm chung tay cùng người dân khắc phục rủi ro thiên tai. Ông Steve Clark - Tổng Giám đốc Prudential Việt Nam cho biết: “Thấu hiểu mức độ nghiêm trọng do thiên tai gây ra tại Việt Nam, chúng tôi muốn chung tay cùng các cấp chính quyền chia sẻ những khó khăn, mất mát của người dân, đồng thời có những hỗ trợ thiết thực nhằm giúp họ khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra”. |