Arab Saudi và 8 nước khác đồng loạt cắt đứt quan hệ với Qatar với cáo buộc nước này ủng hộ khủng bố và can thiệp vào công việc nội bộ của các nước trong khu vực.
Không dừng lại ở đó, một số nước thậm chí còn đóng cửa biên giới trên đất liền, trên biển và trên không với Qatar.
Lao động người Việt ăn Tết cổ truyền ở Qatar. (Ảnh tư liệu)
Là một quốc gia nhỏ và phải nhập khẩu đến hơn 90% lương thực, những bất đồng ngoại giao mới nhất được dự báo là có thể đẩy quốc gia Vùng Vịnh này lâm vào một cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng.
Sự việc cũng đồng thời làm dấy lên lo ngại sẽ gây ảnh hưởng lên đời sống, việc làm của tầng lớp lao động nhập cư người nước ngoài, trong đó có nhóm lao động người Việt Nam, bao gồm các lao động Hà Tĩnh, hiện đang sinh sống, làm việc tại Qatar.
Ngay sau khi cuộc khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh xảy ra, Báo Hà Tĩnh điện tử đã liên lạc được với một số lao động địa phương hiện đang làm việc tại Quatar thì tất cả đều cho hay, đến hiện tại họ chưa bị ảnh hưởng gì trước sự việc.
Anh Nguyễn Văn Quân (trú tại thôn 6, xã Cẩm Thăng, huyện Cẩm Xuyên), hiện đang làm công nhân lắp ráp nhà ga tàu điện gần thủ đô Doha cho biết, mới chỉ nghe thông tin qua báo đài. Tại nơi làm việc của anh, mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường, không có gì xáo trộn.
“Các lao động nhập cư như chúng tôi phần lớn chuyên tâm vào công việc. Việc ăn uống đã được công ty lo nên tôi không rõ việc người dân nơi đây phải ra siêu thị mua lương thực tích trữ”, anh Quân chia sẻ.
Ở một khía cạnh khác, anh Quân cũng bày tỏ sự lo lắng việc đồng nội tệ Qatar sẽ mất giá sau diễn biến trên, khiến thu nhập bị giảm sút.
Công trình ga tàu điện nơi anh Quân làm việc.
Trước tình hình này, ngày 7/6, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động liên hệ với Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) để cập nhật các thông tin mới nhất.
Bước đầu, Cục Quản lý Lao động ngoài nước thông tin, đến thời điểm hiện tại, lao động Việt Nam tại Qatar chưa bị ảnh hưởng gì bởi sự kiện trên. Hiện Cục Quản lý Lao động ngoài nước đang phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam và Ban Quản lý lao động Việt Nam ở Qatar để theo dõi sát sao tình hình.
Cục cũng cho biết, tất cả lao động Việt Nam tại Qatar hiện đang làm việc ổn định. Đời sống sinh hoạt chưa có thay đổi nào đáng kể. Bên cạnh đó, các lo ngại liên quan tới việc thiếu hay khan hiếm nhu yếu phẩm tạm thời vẫn chưa phát sinh.
Các dự án thi công công trình có sử dụng lao động người Việt ở Qatar vẫn đang hoạt động bình thường. Mặt khác, chưa có đơn hàng nào đưa lao động Việt Nam đi Qatar bị ảnh hưởng bởi sự việc trên, khiến phải tạm dừng hoặc gửi lao động về sớm.
Theo thông tin từ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh, đến thời điểm này, toàn tỉnh có 276 lao động đang làm việc hợp đồng ở Qatar, chiếm khoảng 15,3% trong tổng số 1.800 lao động cả nước.
Lao động người Hà Tĩnh ở Qatar chủ yếu đến từ các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Can Lộc, Lộc Hà, Đức Thọ, Nghi Xuân. Trong đó, tập trung nhiều nhất tại các xã như Cẩm Thăng, Cẩm Yên, Kỳ Khang, Kỳ Xuân, Thịnh Lộc...
Lao động Việt Nam sang Qatar chủ yếu làm việc trong những lĩnh vực như xây dựng, giúp việc gia đình, điện, hàn...
Chi phí để sang nước này làm việc không quá cao, mức lương trung bình dao động trong khoảng từ 450-550 USD/tháng (khoảng 10-12 triệu đồng/tháng), chưa tính tiền tăng ca, làm thêm giờ và thưởng. Chi phí về ăn ở, đi lại, bảo hiểm đều được chủ sử dụng lao động chi trả.
Thân nhân gia đình muốn biết thêm thông tin về tình hình đời sống lao động người Việt Nam ở Qatar có thể trực tiếp liên hệ với Cục Quản lý Lao động ngoài nước theo số điện thoại sau: (84-4) 38249517. Đại sứ quán Việt Nam tại Qatar Địa chỉ: Villa No.8 (Near Saha 109 street) West bay Lagoon. P.O.Box: 23595 Doha Điện thoại: (00974)4412.8480 Fax: (00974)4412.8370 Email: [email protected] |