Nghị định số 91/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác
Từ ngày 01 tháng 10 năm 2020 sẽ xử lý cuộc gọi rác, tin nhắn rác, thư điện tử rác.
Trong thời gian gần đây số điện thoại của tôi thường xuyên nhận được những cuộc gọi mời mua Bảo hiểm, mua nhà đất, gia sư…Nhiều khi đang giải quyết công việc quan trọng tôi cũng nhận được cuộc gọi này làm ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi.
Xin hỏi pháp luật quy định như thế nào đối với việc gọi điện thoại cho số điện thoại của cá nhân mà chưa được sự đồng ý của chủ thuê bao? Tôi cần báo cho cơ quan nào để xử lý? Mức xử phạt đối với hành vi này như thế nào?
Trả lời:
Tại khoản 5 Điều 3 Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2020 của Chính phủ quy định về chống tin rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác quy định như sau:
Điều 3. Giải thích thuật ngữ
5. Cuộc gọi rác bao gồm các loại sau:
a) Gọi điện thoại quảng cáo mà không được sự đồng ý trước của Người sử dụng hoặc gọi điện thoại quảng cáo vi phạm các quy định về gọi điện thoại quảng cáo tại Nghị định này;
b) Gọi điện thoại vi phạm các nội dung bị cấm theo quy định tại Điều 9 Luật Giao dịch điện tử, Điều 12 Luật Công nghệ thông tin, Điều 12 Luật Viễn thông, Điều 8 Luật Quảng cáo, Điều 7 Luật An toàn thông tin mạng, Điều 8 Luật An ninh mạng.
Như vậy, những cuộc gọi mời mua Bảo hiểm, mua nhà đất, gia sư…là những cuộc gọi quảng cáo mà chưa được sự đồng ý của bạn được coi là cuộc gọi rác
Tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 quy định trách nhiệm của Người quảng cáo như sau:
Điều 11. Trách nhiệm của Người quảng cáo
2. Chỉ được phép gửi tin nhắn quảng cáo, thư điện tử quảng cáo, gọi điện thoại quảng cáo đến Người sử dụng khi được Người sử dụng đồng ý trước về việc nhận quảng cáo qua một trong các cách sau:
a) Đồng ý nhận tin nhắn quảng cáo sau khi Người quảng cáo gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo đầu tiên và duy nhất;
b) Khai báo và xác nhận vào mẫu đăng ký trên giấy in, Cổng/Trang thông tin điện tử, các ứng dụng trực tuyến, mạng xã hội của Người quảng cáo;
c) Gọi điện thoại hoặc nhắn tin đến tổng đài thoại của Người quảng cáo để đăng ký;
d) Sử dụng phần mềm hỗ trợ đăng ký nhận quảng cáo.
Như vây những tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo mà sử dụng hình thức gọi điện thoại đến người sử dụng mà chưa được sự đồng ý của họ là hành vi vi phạm pháp luật.
Tại Điều 12 và Điều 5 Nghị định 91/2020/NĐ-CP quy định như sau:
Điều 12. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng
1. Chuyển tiếp thông tin về tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác về hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác của Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin) hoặc của tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, thư điện tử.
2. Được quyền nhận hoặc từ chối nhận quảng cáo.
3. Phối hợp với tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, thư điện tử, Người quảng cáo và cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác.
Điều 5. Hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác
1. Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục An toàn thông tin) xây dựng, vận hành Hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác (trên đầu số 5656), thư điện tử rác.
2. Khi thực hiện các chương trình quảng cáo, Người quảng cáo bằng tin nhắn phải gửi đồng thời bản sao tin nhắn quảng cáo tới hệ thống phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác (trên đầu số 5656) quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Người sử dụng dịch vụ viễn thông, Internet, thư điện tử có thể phản ánh, cung cấp các bằng chứng tới Hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác quy định tại khoản 1 Điều này.
Như vậy, theo quy định trên bạn có quyền phản ánh đến Hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác trên đầu số 5656 để cơ quan có thẩm quyền xử lý. Hiện nay, việc phản ánh tin nhắn rác được thực hiện thông qua Hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn tại trên đầu số 456. Do đó, trong vòng 90 ngày kể từ ngày 01/10/2020, Hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác trên đầu số 456 sẽ được chuyển sang đầu số mới 5656.
Tại khoản 2 Điều 16 Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 quy định như sau:
Điều 16. Yêu cầu về chức năng từ chối nhận tin nhắm quảng cáo
2. Hình thức từ chối nhận tin nhắn quảng cáo phải bao gồm:
a) Từ chối bằng tin nhắn;
b) Từ chối qua gọi điện thoại.
3. Ngay khi nhận được yêu cầu từ chối, Người quảng cáo phải gửi ngay thông tin xác nhận đã nhận được yêu cầu từ chối và phải chấm dứt việc gửi loại tin nhắn quảng cáo đã bị từ chối đến Người sử dụng.
Như vậy, bạn có quyền phản ánh tời số 5656 để yêu cầu về chức năng từ chối nhận các cuộc gọi từ các số điện thoại trên. Việc phản ánh này không thu cước phí, theo quy định khoản 15 Điều 9 Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020:
Điều 9. Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, dịch vụ Internet, tổ chức thiết lập mạng viễn thông dùng riêng
15. Không được thu cước tin nhắn khi:
a) Người sử dụng nhắn tin từ chối nhận quảng cáo;
b) Các tin nhắn quảng cáo lỗi;
c) Tin nhắn có nội dung, giá cước không chính xác mà người quảng cáo đã công bố.
Mức xử phạt hành chính đối với hành vi gọi điện thoại quảng cáo khi không được người sử dụng đồng ý thực hiện theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 91/2020/NĐ-CP
Điều 32. Bổ sung điểm c, d, đ khoản 2; điểm p, q, r, s khoản 4; điểm e, g khoản 6, khoản 7a, điểm c khoản 10 Điều 94 của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử
“Điều 94. Vi phạm quy định liên quan tới thư điện tử, tin nhắn, gọi điện thoại cung cấp thông tin về sản phẩm, dịch vụ.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
c) Gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng khi chưa được người sử dụng đồng ý một cách rõ ràng;
d) Gọi điện thoại quảng cáo đến người sử dụng đã từ chối nhận cuộc gọi quảng cáo;
đ) Gửi tin nhắn đăng ký quảng cáo khi người sử dụng đã từ chối hoặc không trả lời nhận tin nhắn đăng ký quảng cáo.
4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
p) Thực hiện quá 01 cuộc gọi quảng cáo tới 01 số điện thoại trong vòng 24 giờ mà không có thỏa thuận khác với người sử dụng;
q) Gọi điện thoại quảng cáo ngoài khoảng thời gian từ 08 giờ đến 17 giờ mỗi ngày mà không có thỏa thuận khác với người sử dụng;
Lưu ý: Mức phạt tiền này là mức phạt tiền đối với tổ chức, mức phạt tiền đối với cá nhân bằng ½ mức phạt tiền đối với tổ chức