Từng hành động, từng suy nghĩ của mỗi cán bộ ngoại giao đều phải liên tưởng đến công tác ngoại vụ địa phương bởi thành công trong hội nhập quốc tế của các địa phương đóng góp rất lớn vào sự nghiệp đối ngoại chung của cả nước...
Hẹn gặp ông Nguyễn Hoàng Long, quyền Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao vào những ngày đầu năm mới không dễ. Lúc thì đang dự hội nghị ở Bình Định, lúc thì hội thảo ở Thái Nguyên, khi thì đang tọa đàm ở Lạng Sơn hay dự lễ ký ở Thành phố Hồ Chí Minh. Lịch làm việc phủ sóng các địa phương dày đặc như vậy khiến cho cuộc phỏng vấn cứ bị trì hoãn. Đến khi gặp nhau, câu chuyện của chúng tôi thỉnh thoảng lại đứt quãng bởi tiếng điện thoại và kết thúc vội vì ông chuẩn bị lên máy bay cho một sự kiện ở địa phương…
Ông Nguyễn Hoàng Long (ngoài cùng bên phải) tại tọa đàm Gặp gỡ Đại sứ Israel. |
Quyết tâm chính trị cao
Bốn sự kiện “Gặp gỡ Đại sứ” (Italy, Tây Ban Nha, Israel và Nhật Bản) lần đầu tiên tại Hà Nội. Năm tọa đàm giữa Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài với các địa phương. Hai mươi tư lớp bồi dưỡng cán bộ làm công tác ngoại vụ địa phương cho 1.608 lượt cán bộ. Hai mươi lăm cuộc làm việc của lãnh đạo Cục Ngoại vụ với cơ quan đại diện ngoại giao, văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam. Và trên hết là rất nhiều các chuyến công tác địa phương của các lãnh đạo Bộ.
Những con số thống kê chẳng khô khan chút nào khi lắng nghe tâm tư của các vị lãnh đạo Bộ Ngoại giao hay theo chân những người làm công tác ngoại vụ địa phương trong năm qua. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhiều lần nhấn mạnh, thành công của hội nhập quốc tế cần có sự đồng thuận và tham gia tích cực của các địa phương, các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Sự quan tâm đặc biệt đến công tác ngoại vụ địa phương thể hiện qua cam kết của Thứ trưởng Lê Hoài Trung: “Chúng tôi sẵn sàng đồng hành với các địa phương và doanh nghiệp trong việc kết nối các sứ quán cũng như doanh nghiệp nước ngoài”.
Hay như khẳng định của quyền Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long: “Không chỉ trong xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư mà bất cứ lĩnh vực nào liên quan đến đối ngoại mà Bộ Ngoại giao có thể hỗ trợ, chúng tôi đều sẵn sàng làm”.
Không thể nhớ hết bao nhiêu tỉnh, thành mà nguyên Cục trưởng Cục Ngoại vụ Phùng Thế Long và nhà lãnh đạo hiện tại là ông Nguyễn Hoàng Long đã đặt dấu chân trong năm qua. Đơn giản bởi phương châm của Bộ Ngoại giao trong công tác ngoại vụ là đồng hành, kết nối, hỗ trợ, ủng hộ làm sao để từng địa phương, trong đó có sở/ phòng ngoại vụ luôn cảm thấy rằng đằng sau các công tác của họ có Bộ Ngoại giao “chống lưng”…
Có trọng tâm, trọng điểm
Nói đến độ “mở” của công tác ngoại vụ không có nghĩa là “bạ đâu đánh đấy”. Công tác ngoại vụ mang tính chất hai chiều, đòi hỏi sự tích cực, chủ động và có trách nhiệm không chỉ của Bộ Ngoại giao mà cả các địa phương. Cho nên, theo ông Long, sự đồng hành đó không thể dàn trải được. Các cơ quan ngoại vụ bám sát vào từng kế hoạch, chương trình, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để xây dựng kế hoạch hành động riêng về công tác ngoại vụ, trong đó xác định ưu tiên cũng như thời gian thực hiện rồi đề xuất và cùng với Bộ Ngoại giao thực hiện.
Bộ Ngoại giao ở đây bao gồm tất cả các đơn vị trong Bộ và 98 cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài, trong đó Cục Ngoại vụ địa phương đóng vai trò đầu mối. Nghĩa là, “từng hành động, từng suy nghĩ của mỗi cán bộ ngoại giao đều phải có “hình bóng” của địa phương – một chủ thể đặc biệt quan trọng trong hội nhập quốc tế. Đối ngoại địa phương có mạnh thì đối ngoại chung mới mạnh”, ông Long nhấn mạnh.
Qua các cuộc tiếp xúc, vị quyền Cục trưởng rút ra hai “đặt hàng” chính của các địa phương với Bộ Ngoại giao. Thứ nhất là giúp họ đào tạo cán bộ làm đối ngoại, không chỉ ở sở ngoại vụ mà các sở khác, không chỉ ở cấp tỉnh mà cả cấp thành phố, quận, huyện… Thứ hai là thông qua con đường đối ngoại để giúp họ quảng bá, xúc tiến, kết nối, thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động đối ngoại, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Theo cựu Đại sứ Việt Nam tại Italy, công tác này đang còn rất nhiều dư địa, rất nhiều việc có thể làm được…
Trong năm 2015, Cục Ngoại vụ địa phương, Bộ Ngoại giao đã ký kết 5 Bản ghi nhớ với các Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài; chủ trì, phối hợp hỗ trợ 20 địa phương ký kết 38 văn bản thỏa thuận thiết lập quan hệ hợp tác cấp địa phương. |
Nhiều việc phải làm
Trong “rất nhiều việc” mà ông Long nói tới, trước hết phải kể đến việc tạo dựng quan hệ và kết nối địa phương với các đại sứ quán nước ngoài ở Việt Nam, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài. Đó là lý do ra đời của “Gặp gỡ Đại sứ” – nơi các địa phương có thể tìm hiểu cặn kẽ về một quốc gia. Các kế hoạch triển khai được xây dựng trên cơ sở hiểu nhau thì mới có thể suôn sẻ. “Tất nhiên, việc lựa chọn Đại sứ “đăng đàn” phải theo tiêu chí là các đối tác chiến lược, đối tác chủ chốt, đối tác toàn diện, có tiềm năng”, theo ông Long - người được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) vinh danh là Lãnh đạo trẻ toàn cầu 2014.
Thực hiện kết nối các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài với địa phương cũng là một điểm nhấn trong công tác ngoại vụ. Ngoài việc kết nối doanh nghiệp tại “Gặp gỡ Đại sứ” thì trên cơ sở nhu cầu đề xuất của địa phương, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với các cộng đồng doanh nghiệp lên chương trình cụ thể như tổ chức tọa đàm tại địa phương…
Một hướng trọng tâm khác là tăng cường hiệu quả của các đoàn ra thông qua việc xác định chương trình ưu tiên trọng điểm của địa phương đối với từng thị trường. Ông Long gợi ý: Nếu muốn tiếp cận trực tiếp thị trường nào đó thì địa phương cần sớm thông báo chủ trương cũng như kế hoạch, từ đó Bộ Ngoại giao có thể chuẩn bị chu đáo, đặc biệt là khâu nội dung để các cuộc tiếp xúc đạt hiệu quả cao nhất.
Đồng thời, Bộ Ngoại giao chủ động bám sát các chương trình hoạt động của các lãnh đạo cấp cao, trên cơ sở đó, tạo điều kiện kết nối để việc tham gia của lãnh đạo địa phương vào các đoàn cấp cao thiết thực hơn.
***
Sôi nổi, đầy nhiệt huyết và luôn tìm tòi ý tưởng mới – giống như khi tôi gặp ông lúc ông còn là Đại sứ Việt Nam tại Italy. Những chuyến công tác địa phương dồn dập trong thời gian chưa đầy ba tháng đảm nhận vị trí công tác mới, đối với một người từng học tập và công tác nhiều năm ở nước ngoài như ông Long, là những trải nghiệm hoàn toàn mới. Điều này không chỉ giúp nhà ngoại giao 40 tuổi này hoàn thiện bản thân mình – hiểu hơn về những con người và địa danh trên mảnh đất hình chữ S mà còn bồi đắp khát vọng có thêm nhiều đóng góp vào sự nghiệp đối ngoại chung của Bộ Ngoại giao, của đất nước…