Chủ doanh nghiệp (DN) du lịch với cả trăm đối tác đến từ nhiều nước, hay điều hành những công ty chuyên cung cấp nội thất cho các khách sạn, nhà hàng sang chảnh hàng đầu... Một số người Hà Tĩnh đã tận dụng rất tốt cơ hội để vươn lên trở thành doanh nhân, thương gia thành đạt tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. “Giấc mơ Dubai” đã hiện thực hóa trên hành trình lập nghiệp nơi vùng đất Trung Đông xa xôi.
Khách sạn đắt đỏ nhất thế giới Atlantis với giá 30.000 USD/phòng
Tốt nghiệp Đại học Ngoại thương năm 2007, chị Nguyễn Thị Việt Bình quê ở TP Hà Tĩnh quyết định sang Dubai lập nghiệp. Khởi đầu là Trưởng văn phòng đại diện của Công ty CP Dịch vụ và Thương mại hàng không Airseco, tiếp đến là nhân viên mặt đất của Hãng hàng không Emirates… Công việc nhọc nhằn nhưng đã giúp chị khám phá rất nhiều điều mới mẻ, lạ lẫm từ quốc gia hồi giáo này.
Cưỡi lạc đà trên sa mạc, một trong những sản phẩm du lịch độc đáo của Dubai
Một tiểu vương dầu mỏ nhưng 93% GDP lại đến từ dịch vụ, thương mại, tài chính; một vùng cát vàng không có lấy một giọt nước ngọt nhưng lại trở thành trung tâm phồn hoa bậc nhất thế giới; nơi ghi nhận những kỷ lục mới của thế giới hiện đại như ngôi nhà cao tầng nhất thế giới (160 tầng), đảo nhân tạo lớn nhất thế giới (560 ha), hay những siêu xe, những ngôi nhà dát vàng…
Chị Nguyễn Thị Việt Bình đã đưa Công ty Desert Habour trở thành DN du lịch uy tín
“Tại sao không thể biến những điều lạ lẫm, tò mò thành lợi thế cạnh tranh?”, đó là câu hỏi thường trực hối thúc khát vọng khởi nghiệp của Nguyễn Thị Việt Bình. Năm 2009, chị quyết định chuyển sang làm du lịch. Một thời gian sau, Việt Bình cùng nhóm cộng sự đến từ Ấn Độ thành lập Công ty Desert Habour.
Khai phá thị trường Trung Đông từ những ngày còn ít người biết tới, giờ đây, Desert Habour đã trở thành DN du lịch uy tín, cung cấp các sản phẩm landtour hấp dẫn ở Dubai cho du khách Việt Nam, Ấn Độ, Liên bang Nga và châu Phi.
Đảo nhân tạo lớn nhất thế giới - một trong những điểm nhấn của du lịch Dubai
“Riêng ở Việt Nam, chúng tôi đã có trên 50 đối tác từ Bắc đến Nam. Mỗi tháng đón trên dưới 300 khách. Tổng lượng khách đến từ các nước khác cũng xấp xỉ 1.000” - chị Việt Bình tự hào cho biết.
Còn anh Nguyễn Văn Thành - đại diện Hanoi Tourist ở Đà Nẵng thừa nhận: “Desert Habour hiện đang được giới du lịch trong nước đánh giá là đối tác Outbound uy tín nhất”.
Khát vọng của Desert Habour sẽ là chinh phục các đối tác cao cấp đến từ châu Âu, châu Mỹ và hơn thế sẽ cung cấp các dịch vụ Inbound cho thị trường Việt Nam. “Dân Trung Đông rất nhiều tiền nhưng tại sao họ chỉ chọn Thái Lan làm điểm đến mà không phải là Việt Nam”, đấy là điều doanh nhân sinh năm 1984 - Nguyễn Thị Việt Bình luôn trăn trở.
Taxi nước ở Dubai
Để trở thành đầu mối cung cấp sản phẩm trang trí nội thất cho những khách sạn, resort, nhà hàng và khu dân cư cao cấp sang chảnh ở Dubai và khu vực vùng Vịnh, Công ty Luxury Star của vợ chồng chị Lê Thị Minh Huệ (quê TP Hà Tĩnh) đã phải mất nhiều năm nghiên cứu thị hiếu, phát triển sản phẩm nhằm chinh phục thị trường giàu có bậc nhất này.
Gia đình nhỏ của chị Minh Huệ tại Showroom nội thất Luxury Star
“Khi sang đây, chúng tôi đã bỏ ra rất nhiều công sức để tìm hiểu, nghiên cứu tâm lý, sở thích của người dân bản địa. Chẳng hạn, họ tự hào với khách sạn 7 sao hình cánh buồm, rồi các công trình với lối kiến trúc độc đáo, cầu kỳ nên chúng tôi đã bắt chước mô phỏng” - chị Lê Thị Minh Huệ - Giám đốc Công ty Luxury Star cho biết ý tưởng kinh doanh của mình.
Hiện Luxury Star tự hào là DN Việt hiếm hoi cung cấp dòng sản phẩm trang trí cao cấp made in Vietnam vào thị trường Dubai và Trung Đông. Với những hợp đồng lên tới cả triệu đô được ký kết, chị Lê Thị Minh Huệ cùng chồng là anh Nguyễn Văn Bảy, được đánh giá là một trong những doanh nhân Việt Nam thành công ở Dubai.
Với ý tưởng xây dựng một góc Dubai ở Hà Nội, chị Minh Huệ đã quyết định thành lập Công ty Dubai Corner Việt. Đây hiện đang là DN đầu mối cung cấp mặt hàng tinh dầu nước hoa cao cấp và các sản vật đặc trưng của Dubai về phân phối tại thị trường Việt Nam. Và, nữ doanh nhân Minh Huệ hiện khá bận bịu bay qua bay lại giữa Dubai và Việt Nam để điều hành công việc kinh doanh của mình.
Theo thống kê từ các công ty môi giới xuất khẩu lao động thì tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất nói chung và Dubai nói riêng hiện đang có khoảng 1.000 lao động Hà Tĩnh làm việc. Phần lớn trong số họ là lao động phổ thông. Hạn chế về ngoại ngữ, về hiểu biết xã hội và đặc biệt khả năng thích ứng chính là những điều trói buộc. Do vậy, câu chuyện vươn lên trở thành những thương gia, doanh nhân đủ sức cạnh tranh tại một trong những nơi phồn hoa nhất thế giới như chị Lê Thị Minh Huệ, chị Nguyễn Thị Việt Bình… chỉ là con số ít ỏi.