I. THÔNG BÁO
1. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC năm 2022 (từ ngày 17 – 19/11/2022)
Tiếp theo chuyến thăm chính thức Thái Lan, nhận lời mời của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha (Pra-dút Chan-ô-cha), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Tuần lễ Cấp cao của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) năm 2022 từ ngày 17-19/11/2022. Tuần lễ cấp cao APEC năm nay có ý nghĩa quan trọng. Với chủ đề của năm APEC 2022 là “Rộng mở - Kết nối – Cân bằng”, đây là năm đầu tiên APEC triển khai Kế hoạch hành động Aotearoa về Tầm nhìn APEC đến năm 2040.
Kể từ khi gia nhập APEC năm 1998, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, đóng góp có trách nhiệm trong các hoạt động hợp tác của APEC. Riêng trong năm 2022, Việt Nam đã đề xuất các sáng kiến về kinh tế tuần hoàn, xử lý rác thải cứng đại dương, thương mại điện tử, nâng cao quyền năng cho phụ nữ, ứng phó với biến đổi khí hậu; đóng góp tích cực triển khai Kế hoạch hành động Aotearoa.
Trong khuôn khổ Hội nghị lần này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và phát biểu tại các phiên họp hẹp của Hội nghị Cấp cao APEC 29; cùng với các Nhà Lãnh đạo APEC tham dự các phiên Đối thoại với khách mời và với cộng đồng doanh nghiệp; phát biểu dẫn đề tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghệp APEC; tiếp xúc song phương với Lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế trong dịp tham dự Hội nghị.
2. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Campuchia và tham dự AIPA từ ngày 19 – 22/11/2022
Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Campuchia, Chủ tịch Hội đồng Liên Nghị viện các Quốc gia Đông Nam Á (AIPA) Samdech Heng Samrin; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ thăm chính thức Vương quốc Campuchia, tham dự Đại hội đồng Liên nghị viện các nước ASEAN lần thứ 43 (AIPA-43) từ ngày 19 – 22/11/2022.
Đây là chuyến thăm chính thức Campuchia đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trên cương vị người đứng đầu Quốc hội Việt Nam. Chuyến thăm cũng là sự kiện đánh dấu kết thúc thành công chuỗi hoạt động trao đổi đoàn cấp cao trong “năm Hữu nghị Việt Nam – Campuchia, Campuchia - Việt Nam 2022”, kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1967-2022).
Dự kiến trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin, hội kiến Quốc vương Norodom Sihamoni, Thủ tướng Hun Sen, Chủ tịch Thượng viện Say Chhum, dự Lễ ký kết thoả thuận hợp tác giữa hai Quốc hội và tham dự một số hoạt động quan trọng khác.
Với chủ đề “Cùng nhau tiến bộ vì một ASEAN tự cường, bao trùm và bền vững”, AIPA-43 sẽ trao đổi các biện pháp nhằm xây dựng một cộng đồng ASEAN đồng đều, vững mạnh và bao trùm, góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế, thu hẹp khoảng cách phát triển và liên kết khu vực, phát triển nguồn nhân lực, an sinh xã hội, sự tham gia của phụ nữ và thanh niên vào kiến tạo và duy trì hòa bình và phát triển, đẩy mạnh giao lưu nhân dân.
Kể từ khi trở thành thành viên chính thức của AIPA năm 1995, Quốc hội Việt Nam đã tham gia chủ động, tích cực, đóng góp trách nhiệm cùng nghị viện các nước thành viên củng cố vai trò trung tâm, sự đoàn kết và thống nhất trong AIPA, mở rộng quan hệ nhiều mặt với nghị viện các nước trong và ngoài khu vực, đồng thời đề xuất nhiều sáng kiến có giá trị nhằm chia sẻ và hỗ trợ chính phủ các nước ASEAN giải quyết những vấn đề ưu tiên của khu vực.
Tham gia Đại hội đồng AIPA-43, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Lễ khai mạc, có một số hoạt động tiếp xúc song phương với một số trưởng đoàn/chủ tịch Nghị viện các nước.
3. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Philippines 23 – 25/11/2022
Nhận lời mời của Chủ tịch Thượng viện Cộng hoà Philippines Juan Miguel Zubiri (Hu-an Mi-gu-en Du-bi-ri), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ thăm chính thức Cộng hoà Philippines từ ngày 23-25/11/2022. Đây là chuyến thăm chính thức Philippines đầu tiên của Lãnh đạo chủ chốt Việt Nam trong năm 2022 và của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sau 16 năm.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Philippines tiếp tục phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực. Hai bên duy trì hiệu quả tiếp xúc cấp cao, các cấp và hợp tác trong các lĩnh vực như kinh tế, quốc phòng an ninh, hợp tác biển và đại dương, giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân…
Dự kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ hội đàm với Chủ tịch Hạ viện Martin Romualdez (Ma-tin Rô-mu-a-đét), hội kiến với Tổng thống Tổng thống Ferdinand Romualdez Marcos (Phơ-đi-nanRô-mu-a-đét Ma-cốt), Chủ tịch Thượng viện Juan Miguel Zubiri (Hu-an Mi-gu-en Du-bi-ri), dự lễ ký kết Thoả thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Hạ viện Philippines, dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế, tiếp đại diện một số tập đoàn, doanh nghiệp Philippines và có một số hoạt động khác.
4. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tham dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 18 tại Tuy-ni-di (từ ngày 19 – 20/11/2022)
Nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hoà Tuy-ni-di Kais Saied (Ca-ít Xai-ét), Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 18 (HNCC 18) được tổ chức tại Djerba (Giéc-ba), Tuy-ni-di từ ngày 19-20/11/2022.
Thời gian qua, Việt Nam tham gia đầy đủ, tích cực, thực chất trên hầu hết các vấn đề ưu tiên của cộng đồng Pháp ngữ, là thành viên chủ chốt của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, có tiếng nói quan trọng đối với việc hoạch định và triển khai chiến lược hợp tác của Cộng đồng Pháp ngữ. Với chủ đề “Kết nối trong đa dạng: Kỹ thuật số, yếu tố phát triển và đoàn kết trong không gian Pháp ngữ” tại Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 18, Việt Nam cùng các nước thành viên sẽ tập trung thảo luận về tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới cũng như trong không gian Pháp ngữ.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân sẽ tham dự Lễ khai mạc và có các bài phát biểu tại các phiên họp, thảo luận của Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 18; tiếp xúc song phương với Lãnh đạo, trưởng đoàn các nước tham dự Hội nghị.
II. TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Soha: Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các hội nghị cấp cao liên quan. Lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc đã thông qua Tuyên bố kỷ niệm 20 năm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Đồng thời, vừa qua ASEAN và Trung Quốc đã đạt được tiến triển trong việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam về việc này?
Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 25, lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc đã trao đổi các biện pháp nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN – Trung Quốc phát triển bền vững trên nhiều lĩnh vực, đóng góp tích cực và hiệu quả cho hợp tác, hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và thế giới. Tại Hội nghị, hai bên cũng đã thông qua Tuyên bố chung nhân dịp kỷ niệm 20 năm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trong đó tái khẳng định ý nghĩa và tầm quan trọng của văn kiện này đối với việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông.
Bên cạnh đó, như tôi đã từng thông tin, ASEAN và Trung Quốc đã hoàn tất vòng rà soát thứ nhất và đang tiến hành vòng rà soát thứ hai văn bản đàm phán đơn nhất dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); thể hiện mong muốn của hai bên sớm đạt được một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đóng góp vào duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, tạo môi trường thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp tại Biển Đông.
2. Soha: Vừa qua Việt Nam và Hoa Kỳ có tuyên bố là sẽ phối hợp tốt để chuẩn bị cho cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden và sẽ tiến tới thực hiện chuyến thăm cấp cao giữa hai bên vào thời điểm thích hợp và điều kiện cho phép. Xin Người phát ngôn có thể thông tin cụ thể về sự kiện sắp tới không?
Có thể nói trong 27 năm qua kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ đã chứng kiến những bước phát triển tốt đẹp trên rất nhiều lĩnh vực, trong đó có việc duy trì tiếp xúc cấp cao theo các hình thức linh hoạt, trực tiếp cũng như trực tuyến.
Việc tiếp xúc cũng như hoạt động thăm viếng cấp cao của hai bên sẽ được chúng tôi thông báo vào thời điểm phù hợp.
3. Tuổi Trẻ: Đề nghị cập nhật công tác “hồi hương” kim ấn của Vua Bảo Đại?
Về việc này, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có thông tin cho báo chí.
Tôi xin thông tin thêm là về phía Bộ Ngoại giao, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO đã thông qua mọi kênh, trong đó có trao đổi thư, công hàm chính thức, tiếp xúc, gặp gỡ với Cố vấn đối ngoại của Tổng thống Pháp, Bộ Ngoại giao và Bộ Văn hóa Pháp, Lãnh đạo UNESCO và các bộ phân chuyên ngành liên quan, đề nghị can thiệp để ngừng việc bán đấu giá ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” và chuyển giao quyền sở hữu cho phía Việt Nam. Chúng tôi cũng đã trao đổi với hãng đấu giá Millon, tham vấn một số tổ chức chuyên ngành di sản, văn hóa và nghệ thuật, cũng như các cá nhân có liên quan… để tìm hiểu thông tin, kịp thời thông báo về trong nước, tạo cơ sở cho việc đàm phán.
Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan thực hiện lộ trình thủ tục đưa ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” về Việt Nam trong thời gian sớm nhất, bảo đảm quy định pháp luật của Việt Nam cũng như pháp luật của Pháp./.