I. THÔNG BÁO
1. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia thăm Việt Nam (từ 2-4/3/2022)
Bà Katrina Cooper, Thứ trưởng phụ trách khu vực Đông Nam Á và Nhóm các Đối tác Toàn cầu, Trưởng SOM ASEAN, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia đã thăm Việt Nam từ ngày 02 - 04/3/2022. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của bà Katrina Cooper trên cương vị Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Australia. Nhân dịp này, hai bên sẽ trao đổi về những biện pháp thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Australia cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế hai bên cùng quan tâm.
2. SEA GAMES31 được tổ chức tại Việt Nam từ 12-23/5/2022
Tôi xin thông báo về một hoạt động thể thao sẽ được tổ chức ở Việt Nam thời gian tới. Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 31 sẽ diễn ra từ ngày 12 đến ngày 23/5/2022 tại Việt Nam. Đây là lần thứ 2 Việt Nam có vinh dự được làm chủ nhà của Đại hội thể thao lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Để khuyến khích và tạo thuận lợi cho phóng viên nước ngoài tham dự, đưa tin về Đại hội, Ban Tổ chức và Tiểu ban Thông tin – Truyền thông SEA Games 31 sẽ sớm có thông báo chính thức và hướng dẫn cụ thể về thủ tục đăng ký tác nghiệp báo chí tại Đại hội, và sẽ đưa lên trang điện tử chính thức của Đại hội tại www.seagames2021.com.
Theo đó, phóng viên và các hãng thông tấn thuộc 11 nước tham dựSEA Games 31 sẽ đăng ký trực tiếp với Uỷ ban Olympic quốc gia của các nước. Phóng viên các hãng thông tấn nước ngoài khác cũng như phóng viênnước ngoài thường trú tại Việt Nam đăng ký với Vụ Thông tin Báo chí, Bộ Ngoại giao. II. TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Vietnam News: Văn phòng chính phủ mấy ngày trước có gửi văn bản cho Bộ Ngoại giao về việc khôi phục chính sách thị thực áp dụng cho du khách đến Việt Nam như trước khi có dịch Covid-19. Xin hỏi người phát ngôn tiến độ việc này như thế nào khi còn 2 tuần nữa là đến ngày mở cửa du lịch quốc tế. Đến nay Việt Nam đã công nhận hội chiếu vaccine của bao nhiêu nước, vùng lãnh thổ và ngược lại?
Trước tiên, xin thông báo với các bạn, tính đến ngày 02/3/2022, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận về công nhận hộ chiếu vắc-xin lẫn nhau với 15 nước, bao gồm Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Úc, Ấn Độ, Belarus, Campuchia, Philippines, Palestine, Maldives, New Zealand, Sri Lanka, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và Singapore.
Hiện nay, người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và thân nhân mang giấy tờ nhập cảnh hợp lệ được nhập cảnh Việt Nam theo quy định tại Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Người nước ngoài vào du lịch thực hiện theo Hướng dẫn thí điểm đón khách du lịch quốc tế của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Công dân Việt Nam được tự do về nước trên các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ.
Nhằm góp phần khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường hội nhập quốc tế trong trạng thái bình thường mới, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương giữa Việt Nam với các quốc gia và vùng lãnh thổ, hiện Bộ Ngoại giao đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét, quyết định phương án cụ thể về việc cấp thị thực và miễn thị thực.
(i) Áp dụng thủ tục, quy trình cấp thị thực, giấy miễn thị thực theo quy định tại Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành, bãi bỏ các yêu cầu về duyệt phương án cách ly sau nhập cảnh, bãi bỏ hạn chế theo mục đích nhập cảnh.
(ii) Phục hồi chính sách miễn thị thực song phương theo các điều ước quốc tế với các nước hoặc theo nguyên tắc có đi có lại, bãi bỏ yêu cầu về duyệt nhân sự và phương án cách ly tại địa phương;
(iii) Phục hồi chính sách miễn thị thực đơn phương với 13 nước theo quy định tại Điều 13 Luật Xuất Nhập cảnh và theo các Nghị quyết của Chính phủ.
Khi được thông qua, Bộ Ngoại giao sẽ thông báo rộng rãi để người dân, doanh nghiệp cũng như người nước ngoài biết và thực hiện một cách thuận lợi.
2. Dân trí: Cập nhật tình hình người Việt tại Ukraine, các nỗ lực, biện pháp bảo hộ công dân? Thông tin về kế hoạch sơ tán, lập cầu hàng không được triển khai ra sao? Có bao nhiêu người đã di tản sang các nước lân cận? Chuyến bay sớm nhất khi nào, được tổ chức miễn phí hay có phí?
Việt Nam chia sẻ quan điểm của ASEAN trong Tuyên bố của các Ngoại trưởng ASEAN về tình hình Ukraine ngày 26/2/2022 cũng như trong phát biểu của Trưởng Phái đoàn Việt Nam ở Liên hợp quốc tại Phiên họp khẩn cấp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 01/03/2022.
Lập trường nhất quán của Việt Nam là yêu cầu tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, đặc biệt là các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Việt Nam hết sức quan ngại về tình hình xung đột vũ trang tại Ukraine. Chúng tôi kêu gọi các bên kiềm chế, chấm dứt ngay các hành động sử dụng vũ lực, tránh gây thương vong và tổn thất cho dân thường.
Việt Nam hoan nghênh đối thoại đang diễn ra giữa 2 phái đoàn Ukraine và Nga; kêu gọi các bên giảm căng thẳng, sớm tìm ra giải pháp hòa bình lâu dài cho các bất đồng trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế và tính đến quyền và lợi ích chính đáng của các bên liên quan; bảo đảm an ninh, an toàn và nhu cầu thiết yếu dành cho người dân, bảo vệ các cơ sở hạ tầng thiết yếu theo luật nhân đạo quốc tế.
Việt Nam ủng hộ và đề nghị cộng đồng quốc tế, các nước trong và ngoài khu vực tiếp tục tạo điều kiện để các bên đối thoại, thúc đẩy viện trợ, cứu trợ nhân đạo cho người dân; đề nghị các bên liên quan đảm bảo an ninh, an toàn, tạo điều kiện sơ tán khi cần thiết cho các cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống tại Ukraine, trong đó có cộng đồng người Việt Nam.
3. Báo Tuổi trẻ: Được biết từ ngày 28-29/3, Mỹ sẽ tổ chức hội nghị Mỹ- ASEAN. Xin hỏi, Việt Nam sẽ thảo luận nội dung gì và liệu có chuyến thăm song phương không?
Tổng thống Hoa Kỳ đã có thư mời Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và Lãnh đạo các nước ASEAN tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ tại Washington, DC, Hoa Kỳ trong thời gian tới. Các nước ASEAN nhất trí với đề xuất của Hoa Kỳ tổ chức Hội nghị. Hiện các bên đang trao đổi về các vấn đề liên quan đến hội nghị, trong đó có cả nội dung về thời điểm tổ chức.
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam dự kiến sẽ tham dự hội nghị và có các hoạt động song phương tại Hoa Kỳ.
4. Sputnik: Đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam về việc Liên minh châu Âu (EU) cấm kênh truyền hình Russia Today và hãng thông tấn Sputnik hoạt động tại châu Âu?
Tôi cho rằng các nước cần tạo điều kiện cho báo chí hoạt động phù hợp với quy định của mình.
5. Bình luận của Việt Nam Phiên họp khẩn cấp đặc biệtcủa Đại hội đồng Liên hợp quốc về tình hình Ukraine.
Liên quan đến phiên họp khẩn cấp đặc biệt của Đại hội đồng Liên Hợp quốc về tình hình Ukraine và việc bỏ phiếu Nghị quyết tại đây, quan điểm của chúng tôi là Việt Nam luôn theo dõi sát sao và hết sức quan ngại trước tình hình xung đột vũ trang tại Ukraine đang ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới. Chúng tôi cho rằng ưu tiên hiện nay là cần kiềm chế tối đa, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực để tránh gây thương vong và tổn thất đối với dân thường, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh nhằm đạt được giải pháp lâu dài có tính đến lợi ích chính đáng của tất cả các bên, trên cơ sở phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Lập trường này của Việt Nam đã được nêu rõ tại phát biểu ngày 25/2 và Phiên họp khẩn cấp đặc biệt của Đại hội đồng Liên hợp quốc vừa qua vào ngày 1/3.
6. VOV: Bình luận trước các diễn biến tình hình Ukraine hiện nay?
Việt Nam chia sẻ quan điểm của ASEAN trong Tuyên bố của các Ngoại trưởng ASEAN về tình hình Ukraine ngày 26/2/2022 cũng như trong phát biểu của Trưởng Phái đoàn Việt Nam ở Liên hiệp quốc tại Phiên họp khẩn cấp đặc biệt của Đại Hội đồng Liên Hợp quốc ngày 01/03/2022.
Việt Nam yêu cầu các bên tôn trọng luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, đặc biệt là các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Việt Nam hết sức quan ngại về tình hình xung đột vũ trang tại Ukraine. Chúng tôi kêu gọi các bên kiềm chế, chấm dứt ngay các hành động sử dụng vũ lực, tránh gây thương vong và tổn thất cho dân thường.
Việt Nam hoan nghênh đối thoại đang diễn ra giữa 2 phái đoàn Ukraine và Nga, mong các bên sớm tìm giải pháp hòa bình lâu dài cho các bất đồng trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế và tính đến quyền và lợi ích chính đáng của các bên liên quan; bảo đảm an ninh, an toàn và nhu cầu thiết yếu dành cho người dân, bảo vệ các cơ sở hạ tầng thiết yếu theo Luật Nhân đạo quốc tế.
Việt Nam ủng hộ và đề nghị cộng đồng quốc tế tiếp tục tạo điều kiện để các bên đối thoại, thúc đẩy viện trợ, cứu trợ nhân đạo cho người dân; đề nghị các bên liên quan bảo đảm an ninh, an toàn, tạo điều kiện sơ tán khi cần thiết cho các cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống tại Ukraine, trong đó có cộng đồng người Việt Nam.
7.Thanh Niên: Hôm 1/3 thì CDC và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã nâng mức cảnh báo với Việt Nam lên mức 4, và khuyến cáo công dân nước này không đến Việt Nam do lo ngại tình hình về dịch bệnh. Trong khi đó, ngày 02/3, Nga khuyến nghị Việt Nam là điểm đến du lịch an toàn. Xin Người phát ngôn cho biết quan điểm của Việt Nam đối với các khuyến cáo này trong bối cảnh Việt Nam sẽ có kế hoạch mở cửa du lịch từ ngày 15/3 tới đây.
Nhờ có những nỗ lực rất quyết liệt và hiệu quả trong công tác ngoại giao vaccine, đến nay, có thể nói Việt Nam đã có tỷ lệ tiêm chủng cao. Đây là cơ sở vững chắc để Việt Nam chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát, hiệu quả dịch bệnh Covid và phục hồi kinh tế. Trên tinh thần đó, Chính phủ đã quyết định việc mở cửa lại hoạt động du lịch bình thường từ ngày 15/3. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, hiện nay, các bộ, ngành liên quan của Việt Nam đang tích cực chuẩn bị để hướng tới mục tiêu này.
Về phần Bộ Ngoại giao, chúng tôi đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch để hoàn thiện phương án mở cửa lại hoạt động du lịch cũng như xây dựng lại chính sách về thị thực đối với khách du lịch nhập cảnh Việt Nam như tôi đã nói ở trên.
Về quan điểm của Việt Nam đối với tình hình hiện nay tại Ukraine cũng như việc thông qua nghị quyết tại phiên họp của Đại hội đồng vừa qua thì tôi đã trả lời.
8.DPA: Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo mở cửa du lịch hoàn toàn từ ngày 15/03 trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho du khách ngoại quốc. Tuy nhiên, tôi nhận thấy công văn số 920 của Bộ Y tế ngày 26/02 quy định về điều kiện nhập cảnh cho du khách nước ngoài khiến họ gặp phải nhiều khó khăn (ví dụ nghiệm COVID-19 trong vòng 24h và 72h, hạn chế người 65 tuổi và trẻ em). Bộ Ngoại giao có nắm được tình hình này không và có quan điểm gì dưới tư cách một đơn vị tư vấn cho chính phủ?
Tôi xin khẳng định lập trường, quan điểm, chủ trương của chính phủ Việt Nam: Hiện nay Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa tạo điều kiện để phục hồi, phát triển kinh tế.
Chúng tôi cho rằng quyết định của chính phủ vừa qua, mở cửa lại du lịch ngày 15/03 không chỉ tạo thuận lợi cho khách du lịch quốc tế mà còn tạo thuận lợi cho việc giao lưu nhân dân, người nước ngoài đến học tập, làm việc, kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam. Các Bộ, Ngành của Việt Nam thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo hướng, chủ trương này.
Việc cụ thể phóng viên nêu ra liên quan tới Bộ Y tế, chúng tôi sẽ trao đổi lại với Bộ Y Tế để làm rõ.
9. Zing News: Cập nhật ước tính còn bao nhiêu người Việt Nam cần sơ tán, đã có thương vong trong cộng đồng người Việt hay chưa?
Theo báo cáo củacác CQĐD Việt Nam tại địa bàn, hiện nay chưa thấy có thông tin về thương vong của người Việt.
Trong bối cảnh tình hình phức tạp hiện nay tại Ukraine, người Việt Nam tại Ukraine đã sơ tán ra khỏi vùng chiến sự cũng như ra khỏi Ukraine bằng nhiều con đường khác nhau với sự hỗ trợ của của các cơ quan đại diện ngoại giao ở Ukraine cũng như các nước lân cận, của các tổ chức hội đoàn tại địa phương và một số trường hợp là tự túc. Các cơ quan đại diện Việt Nam tại Ukraine cũng như các địa bàn lân cận liên tục cập nhật thông tin thông qua các đường dây nóng bảo hộ công dân, thông tin từ hội đoàn để cập nhật con số, nhu cầu bà con để hỗ trợ kịp thời. Hằng ngày BNG sẽ cập nhật vào các bản tin vào cuối ngày về số lượng người Việt đã được sơ tán ra khỏi vùng chiến sự và được đưa sang các nước khác cũng như nhu cầu sơ tán của bà con.