Trả lời phỏng vấn TG&VN, ông Vũ Anh Quang, Vụ trưởng Vụ các Tổ chức Quốc tế, Bộ Ngoại giao cho biết, Việc Việt Nam trúng cử với số phiếu cao vào Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) thể hiện hình ảnh, vị thế quốc tế của Việt Nam không ngừng được nâng cao, đồng thời chứng tỏ chúng ta đã đáp ứng được kỳ vọng của đông đảo các nước thành viên LHQ. điều đó cũng có nghĩa là chúng ta cần nỗ lực hơn để tạo “dấu ấn Việt Nam” khi tham gia vào luật chơi quốc tế.
|
||
Nhiều ý kiến cho rằng việc Việt Nam được bầu vào ECOSOC có nghĩa là Việt Nam sẽ tăng cường tham gia vào việc xây dựng luật chơi hay định hình các quy tắc và chuẩn mực quốc tế. Ông có thể nói rõ hơn vấn đề này? Trong xu thế liên kết đa tầng nấc hiện nay trong quan hệ quốc tế, Việt Nam đang triển khai đồng bộ các hoạt động đối ngoại đa phương trên ba cấp độ lớn: khu vực, liên khu vực và toàn cầu. Cấp độ khu vực là ASEAN hay mở rộng hơn là châu Á - Thái Bình Dương; cấp độ liên khu vực như Diễn đàn hợp tác Á-Âu, ASEM, TPP, Pháp ngữ... Đồng thời chúng ta cũng tích cực tham gia và đóng góp thực chất trong tiến trình định hình luật chơi toàn cầu, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Ở cấp độ khu vực, chúng ta đã phát huy rất tốt vai trò, có nhiều đóng góp thực chất và Việt Nam đã trở thành một đối tác không thể thiếu trong ASEAN cũng như trong quan hệ giữa ASEAN với các nước đối tác. Tại LHQ - tổ chức đa phương toàn cầu lớn nhất với 193 quốc gia thành viên thì việc định hình luật chơi của Việt Nam được thể hiện bằng việc Việt Nam cần tham gia tích cực, đóng góp thực chất trên các vấn đề toàn cầu mà cộng đồng quốc tế quan tâm, như giữ gìn hòa bình và an ninh, thúc đẩy hợp tác phát triển, bảo vệ quyền con người, thúc đẩy quá trình hoàn thiện và việc tôn trọng luật pháp quốc tế, đưa ra các sáng kiến để tạo “dấu ấn Việt Nam” trên một số lĩnh vực mà Việt Nam có lợi ích thiết thân và có thế mạnh để chia sẻ với cộng đồng quốc tế. Đây là điều mà vừa qua chúng ta đã làm tương đối tốt, nhất là khi Việt Nam là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009 cũng như trên các lĩnh vực thúc đẩy hợp tác phát triển, xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới... Tại ECOSOC, cũng như tại Hội đồng nhân quyền LHQ mà Việt Nam hiện là thành viên, chúng ta đã và cần tăng cường đóng góp vào công việc chung của cả hai cơ quan quan trọng này, đưa ra được những đề xuất, sáng kiến trên cơ sở thế mạnh và các kinh nghiệm thành công của Việt Nam. Trên thực tế, hiện nay nhiều nước không chỉ nhìn Việt Nam như một biểu tượng về đấu tranh giành độc lập dân tộc, mà còn là một trong những mô hình thành công về phát triển kinh tế - xã hội (từ một nước thu nhập thấp, bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước có thu nhập trung bình). Như vậy, ta có rất nhiều kinh nghiệm để chia sẻ với các nước, nhất là các nước đang phát triển. Khi trở thành thành viên ECOSOC, ta sẽ có cơ hội chia sẻ với các nước về kinh nghiệm phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt về xóa đói nghèo, về kinh nghiệm lồng ghép các Mục tiêu phát triển bền vững trong các chiến lược, chương trình quốc gia về phát triển (vì Việt Nam đã có Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững và đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng Chương trình nghị sự 2030 của LHQ về phát triển bền vững vừa được Nguyên thủ các nước thông qua tháng 9/2015 tại New York). Tóm lại, chúng ta hoàn toàn có khả năng đóng góp thực chất và phát huy vai trò trên các lĩnh vực hoạt động chính của ECOSOC là thúc đẩy phát triển kinh tế, công bằng và an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Hoạt động cơ bản của ECOSOC là gì và các quyết định hay nghị quyết của Hội đồng có tác động đối với các nước thành viên LHQ như thế nào? ECOSOC là một trong sáu cơ quan chính của LHQ, có vai trò quan trọng trong việc định hướng xây dựng các chính sách và điều phối các nỗ lực quốc tế về phát triển kinh tế, xã hội và nhân đạo. Để thực hiện nhiệm vụ trên, ECOSOC có 11 ủy ban chuyên môn, đáng chú ý là Ủy ban phát triển xã hội, Ủy ban về địa vị phụ nữ, Ủy ban về phát triển bền vững, Ủy ban về các tổ chức phi chính phủ… Các phiên họp ECOSOC và các Ủy ban trực thuộc được tổ chức trải đều trong cả năm, tập trung vào nhiệm vụ điều phối, hướng dẫn hoạt động của tất cả các Quỹ và Chương trình trong hệ thống phát triển của LHQ, trong đó có những quỹ và chương trình lớn đang hợp tác tại Việt Nam, như Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP), Quỹ Dân số LHQ (UNFPA), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF); thảo luận các biện pháp thúc đẩy hợp tác toàn cầu về phát triển bền vững, hỗ trợ nhân đạo... Đây là những lĩnh vực mà tất cả các nước rất quan tâm, đặc biệt là các nước đang phát triển trong quá trình xây dựng, hoạch định chính sách và hội nhập quốc tế. Việc Việt Nam trúng cử vào ECOSOC với số phiếu cao (182/187) chứng tỏ công tác vận động đã được thực hiện rất hiệu quả. Ý kiến của ông về nhận định này? Đầu tiên phải khẳng định việc Việt Nam trúng cử lần thứ hai vào ECOSOC khi vẫn đang đảm nhận nhiệm vụ thành viên Hội đồng nhân quyền LHQ chứng tỏ chúng ta đã sẵn có một uy tín, một “cái nền” nhất định được các nước thừa nhận rộng rãi. Như tôi đã nói ở trên, lịch sử giành độc lập dân tộc hào hùng của nhân dân Việt Nam hiện vẫn còn nguyên giá trị. Mô hình của một nước Việt Nam đang đổi mới toàn diện và thành công trong phát triển kinh tế - xã hội được LHQ và các nước đánh giá cao và mong muốn Việt Nam chia sẻ. Công tác vận động khi ứng cử vào ECOSOC là phải đề cao được những thành tựu đó và nêu bật được mong muốn của Việt Nam là sẵn sàng đóng góp xây dựng, thực chất vào công việc chung của ECOSOC để đáp ứng được kỳ vọng chung của LHQ và các nước trên cơ sở các thành công và kinh nghiệm của Việt Nam. Tất cả các nước đều phải triển khai công tác vận động khi ứng cử vào các tổ chức quốc tế và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Và chúng ta đã làm tốt công tác này khi ứng cử vào ECOSOC. Kinh nghiệm mà chúng ta rút ra được qua công tác vận động và ứng cử vào ECOSOC là: Thứ nhất, cần sớm xây dựng một kế hoạch vận động tổng thể, trong đó xác định rõ chủ trương, nội dung vận động, cách thức và các bước (lộ trình) vận động cụ thể qua từng giai đoạn. Thứ hai, về cách thức tiếp cận các nước cần vận động, chúng ta đã kết hợp vận động theo hình thức “đại trà”, theo đợt với tất cả các nước, tại Hà Nội, tại thủ đô các nước, tại các diễn đàn LHQ, đặc biệt là ở New York, Geneva và Paris; kết hợp vận động nhân các chuyến thăm song phương và tại các Hội nghị quốc tế. Ở đây xin nhấn mạnh là việc các đồng chí Lãnh đạo cấp cao trực tiếp vận động Lãnh đạo các nước trong các chuyến thăm song phương và bên lề các Hội nghị quốc tế đóng một vai trò hết sức quan trọng. Ngoài ra, chúng ta tiến hành công tác vận động “có trọng điểm”, đặc biệt với một số nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh. Đa số các nước này rất có thiện cảm với Việt Nam, ngưỡng mộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và phát triển đất nước nhưng do hoàn cảnh khách quan, chúng ta ít có dịp tiếp xúc song phương hoặc hai bên chưa đặt Đại sứ quán tại thủ đô mỗi nước. Lá phiếu của các nước này vô cùng quan trọng, đặt biệt là các nước ở châu Phi xa xôi, hay những quốc đảo nhỏ ở Nam Thái Bình Dương, các nước ở Trung Mỹ và vùng Caribe. Thứ ba là, ngoài nội dung vận động đại trà với tất cả các nước, chúng ta cần xây dựng nội dung vận động riêng đối với từng nhóm nước cụ thể, vì mỗi nước có những mong muốn, kỳ vọng riêng đối với Việt Nam khi Việt Nam trở thành thành viên ECOSOC. Đây là điều dễ hiểu vì sự trông đợi đối với Việt Nam tại ECOSOC có thể không hoàn toàn giống nhau giữa các nước phát triển và đang phát triển, giữa một nước châu Âu với một nước châu Á, châu Phi, giữa một nước có biển và một nước không có biển... Sau hai lần Việt Nam trúng cử ECOSOC và Hội đồng Nhân quyền LHQ, ông có thể dự đoán thế nào về triển vọng Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021? Tôi tin là Việt Nam sẽ trúng cử vào Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ thứ hai bởi một số lý do sau. Thứ nhất là uy tín và vị thế quốc tế của đất nước. Việt Nam hiện đến với LHQ như một nước đối tác thực sự, có khả năng đóng góp vào công việc chung của LHQ. Thứ hai, chúng ta đã có nhiều nỗ lực và thế mạnh để đóng góp thực chất vào việc duy trì hòa bình, an ninh ở Đông Nam Á, ở châu Á – Thái Bình Dương và trên thế giới với chủ trương nhất quán là giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, luôn đề cao thương lượng, đối thoại để tháo gỡ những điểm bất đồng, xung đột trên cơ sở luật pháp quốc tế, các nguyên tắc của Hiến chương LHQ. Việt Nam cũng đã bắt đầu tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ từ năm 2014 và sắp tới sẽ cử các đơn vị công binh, bệnh viện dã chiến cấp 2 tham gia các hoạt động này của LHQ. Tôi cũng cho rằng Việt Nam sẽ trúng cử với số phiếu cao, vì LHQ và cộng đồng quốc tế cũng đang kỳ vọng vào sự tham gia và đóng góp tích cực của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an LHQ, vì một thế giới hòa bình, an ninh và phát triển.
|