(Baohatinh.vn) - Mộc bản thư viện/trường học Phúc Giang (còn gọi là Mộc bản trường Lưu) là kho sách “có một không hai” của dòng họ Nguyễn Huy - Trường Lưu, gắn liền với bề dày văn hóa truyền thống trên mảnh đất Hà Tĩnh…
Giáo sư, viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ bên gia tài mộc bản của dòng họ
Hội trường Khách sạn Sài Gòn Morin tại trung tâm TP Huế vào cuối buổi chiều 19/5/2016 khác với những ngày họp trước đó của Ủy ban Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Không khí nhộn nhịp hẳn lên khi 2 hồ sơ đệ trình của nước chủ nhà Việt Nam là Văn thơ trên cung đình Huế và Mộc bản trường học Phúc Giang chính thức được hội nghị công bố trở thành di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thật đáng trân trọng giá trị của loại tư liệu này bởi sức sống, sự trường tồn của nó trong dòng chảy văn hóa nước nhà và văn hóa của nhân loại. Mộc bản Trường Lưu là những bản khắc (bằng gỗ cây thị đực) để in sách phục vụ cho việc dạy và học. Loại “sách” độc đáo này là của dòng họ Nguyễn Huy, được hình thành từ giữa thế kỷ thứ XVIII đến đầu thế kỷ XX tại làng Trường Lưu, xã Lai Thạch, huyện Thiên Lộc (nay là xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).
Một trong những trang bìa Mộc bản Trường Lưu
Mộc bản gắn liền với các danh nhân nổi tiếng của dòng họ Nguyễn Huy và Trường Lưu học hiệu, Phúc Giang thư viện - một trong những trung tâm văn hóa, giáo dục lớn của Đàng Ngoài. Mặc dù là di sản của một dòng họ nhưng Mộc bản Trường Lưu lại chứa đựng một kho tàng văn hóa đặc sắc, trở thành nguồn tư liệu quý giá cho các cơ quan chức năng và các nhà khoa học, giới nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực, từ lịch sử đến địa lý, từ chính trị, ngoại giao đến kinh tế và nhất là giáo dục.
Theo giới nghiên cứu thì mộc bản được các danh nhân dòng họ Nguyễn Huy dùng để in các bộ sách kinh điển của người xưa về văn chương, triết học do Thám hoa Nguyễn Huy Oánh cùng các trí thức dòng họ Nguyễn Huy biên soạn lại một cách gọn gàng, dễ hiểu, gọi là “toản yếu”. Đặc biệt, có một số bản đồ khẳng định chủ quyền, lãnh thổ quốc gia rất có giá trị về mặt chứng cứ lịch sử.
Trước sự kiện “báu vật” của tổ tiên trở thành di sản tư liệu ký ức thế giới, Giáo sư, Viện sỹ Nguyễn Huy Mỹ (hậu duệ đời thứ 16 dòng họ Nguyễn Huy - Trường Lưu) vui mừng đến rơm rớm nước mắt. Cuộc đời của vị giáo sư khả kính chuyên nghiên cứu lĩnh vực khác nhưng lại luôn coi trọng, đề cao văn hóa truyền thống, trong đó có Mộc bản Trường Lưu, được coi là tinh hoa của dòng họ Nguyễn Huy để lại cho hậu thế.
Một trong những trang sách quý của Mộc bản Trường Lưu
Với tư cách là Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, lại là người con quê hương Hà Tĩnh, Đại sứ Nguyễn Sanh Châu nói rằng, ông rất tự hào bởi ở một vùng quê xa các trung tâm nhưng vẫn còn lưu giữ, bảo tồn được một di sản quý, hiếm như thế. Các nhà quản lý, lãnh đạo các cơ quan chức năng và các chuyên gia về lĩnh vực di sản tư liệu ký ức đến từ 16 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều đánh giá Mộc bản Trường học Phúc Giang có giá trị về nhiều mặt. Đây là bộ mộc bản duy nhất liên quan đến lĩnh vực văn hóa, giáo dục của một dòng họ còn được lưu giữ ở Việt Nam.
Bà Vũ Thị Hương - Phó Chủ tịch hội nghị toàn thể lần thứ 7 Ủy ban Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên thì đều khẳng định: “Cùng với văn thơ trên cung đình Huế, việc Mộc bản trường học Phúc Giang được ghi danh là dịp để các nước trong khu vực cũng như trên thế giới biết đến và hiểu rõ hơn truyền thống lịch sử, văn hóa, giáo dục, đạo học xưa của người Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam chúng ta quảng bá, làm tăng thêm giá trị các di sản văn hóa thuộc loại hình tư liệu ký ức do tiền nhân để lại, đồng thời, có thêm kinh nghiệm và điều kiện tiếp cận tiến bộ khoa học công nghệ tiên tiến trong việc lưu giữ, bảo tồn, phát huy kho tàng văn hóa đặc sắc đã trở thành di sản của nhân loại…”.
Như vậy là đến nay, Việt Nam đã có 6 di sản (bao gồm Mộc bản triều Nguyễn, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm - Bắc Giang, Bia đá các khoa thi tiến sỹ triều Lê - Mạc, Châu bản triều Nguyễn, Văn thơ trên cung đình Huế và Mộc bản trường học Phúc Giang - Hà Tĩnh được ghi danh vào di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tại hội nghị Ủy ban Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần này, các đại biểu đều thống nhất tiếp tục chiến lược tăng cường hợp tác quốc tế trong việc bảo vệ, giữ gìn các di sản tư liệu. Đồng thời, gửi thông điệp nhằm nâng cao nhận thức và sự quan tâm của các chính phủ cũng như cả cộng đồng tích cực gây quỹ để tiếp cận và hỗ trợ bảo tồn, phát huy các di sản tư liệu, đặc biệt là những di sản quý hiếm mang tính toàn cầu như Mộc bản trường học Phúc Giang của Hà Tĩnh, Việt Nam.