Sáng 25/9, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình thiệt hại và kết quả công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 10.
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt cho biết: Bão số 10 là cơn bão mạnh, tốc độ di chuyển nhanh trên biển Đông, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 (sau cấp thảm họa), lớn nhất trong gần 30 năm qua độ bộ vào Hà Tĩnh.
Trong bão, tuy toàn tỉnh không để xẩy ra chết người nhưng thiệt hại rất lớn về nhà ở dân sinh; giao thông, thủy lợi; công nghiệp, xây dựng, điện lực; nông, lâm nghiệp, thủy sản; thông tin liên lạc…
Tổng thiệt hại ước tính hơn 6.600 tỷ đồng.
Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt: Tỉnh cần đề xuất với Chính phủ hỗ trợ 1000 tấn giống lúa cho người dân bị thiệt hại để sản xuất vụ đông bảo lịch thời vụ.
Về công tác khắc phục, tỉnh đã triển khai kịp thời các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, thực hiện các giải pháp huy động 5.000 cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang (quân sự, công an, biên phòng), 10.000 dân quân tự vệ tại các địa phương; 32.000 lượt đoàn viên, thanh niên giúp tu sửa trường hợp, cơ sở khám chữa bệnh và nhà dân bị hư hỏng nặng; thu dọn cây đổ, cột điện đổ gãy trên các tuyến đường đảm bảo giao thông thông suốt.
Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh Nguyễn Quốc Hà: Mưa bão xẩy ra làm hệ thống thông tin, liên lạc bị tê liệt nên cần phải rút kinh nghiệm. Thị xã đang tập trung khắc phục về điện, nước và vệ sinh môi trường trên địa bàn.
Đến nay, hơn 70% nhà dân bị thiệt hại đã được khắc phục; 99,6% số phường, xã đã được cấp điện trở lại; phối hợp với các doanh nghiệp thu mua hơn 200 tấn bưởi Phúc Trạch, 2000 tấn gỗ nguyên liệu cho người dân trên địa bàn...
Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã tiếp nhận 128 đoàn đến từ các địa phương, các bộ, ngành, các tổ chức, cá nhân thông qua Mặt trận Tổ quốc tỉnh và trực tiếp đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng của bão số 10. Tổng giá trị tiếp nhận hỗ trợ hơn 25 tỷ đồng và nhiều hàng hóa thiết yếu khác.
Giám đốc Điện lực Hà Tĩnh Nguyễn Phúc Phong: Bão số 10 gây thiệt hại hết sức nặng nề đối với ngành điện nên công tác khắc phục gặp rất nhiều khó khăn. Ngành điện vẫn đang khẩn trương sửa chữa, sớm cung cấp điện trở lại bình thường.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo một số địa phương, sở, ngành đã đánh khách giá khách quan về tình hình thiệt hại, công tác khắc phục và chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong việc ứng phó với cơn bão số 10 vừa qua.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn: Cần đánh giá toàn diện về công tác ứng phó, khắc phục cơn bão số 10 để từ đó xây dựng kịch bản, bổ sung các phương án nhằm ứng phó hiệu quả với thiên tai…
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh cho rằng: Cơn bão số 10 mạnh, nhưng nhờ sự chỉ đạo kịp thời, các sở, ngành, địa phương chủ động triển khai tốt các phương án phòng chống nên không thiệt hại về người, giảm thiểu thiệt hại về tài sản do cơn bão số 10 gây ra.
“Các cấp, ngành chính quyền địa phương đã nỗ lực làm tốt công tác dự báo, thông báo kêu gọi tàu thuyền vào nơi neo đậu tránh trú bão; chủ động di dời dân đến vùng an toàn; kịp thời động viên, khẩn trương khắc phục thiệt hại cho nhân dân. Đây là bài học kinh nghiệm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác phòng chống và ứng phó với thiên tai” – Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định.
Thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương phải rà soát lại tình hình thiệt hại để đánh giá khách quan, chính xác và có phương án khắc phục trước mắt và lâu dài. Trong đó, trước hết ưu tiên hỗ trợ cho nhân dân thiệt hại về nhà cửa, đặc biệt quan tâm đến gia đình chính sách, người nghèo; hỗ trợ sửa chữa, khắc phục khẩn cấp hạ tầng trường học, cơ sở y tế đảm bảo học hành, khám chữa bệnh cho nhân dân; hỗ trợ 100% giống cho sản xuất vụ đông.
Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các ngành liên quan tiếp tục tập trung sửa chữa các hạ tầng thiết yếu như: điện, nước đảm ứng nhu cầu của nhân dân và doanh nghiệp. Riêng 2 cột truyền hình bị gãy đổ cần sớm làm thủ tục thanh lý, khẩn trương dọn dẹp để đầu tư làm mới.
Đặc biệt, cần rà soát lại mức độ thiệt hại để kịp thời hỗ trợ gạo cho các vùng bị thiệt hại nặng nề; có kế hoạch đầu tư về hạ tầng giao thông, cảng cá, đê biển… bị hư hỏng.
Tiếp tục phát động kêu gọi CBCNV, các doanh nghiệp trên địa bàn ủng hộ người dân bị thiệt hại, đảm bảo công tác bình ổn giá, an ninh trật tự trên địa bàn, đồng thời ổn định để phát triển KT-XH cho những tháng cuối năm.
Hà Tĩnh đề xuất Trung ương hỗ trợ 3.000 tấn gạo để cứu đói cho nhân dân vùng bị thiệt hại nặng nề do bão gây ra; 1.000 tấn giống lúa cho sản xuất vụ đông; hỗ trợ kinh phí mua 20 cơ số thuốc khử khuẩn môi trường và hóa chất, vắc xin tiêm phòng gia súc, gia cầm; hỗ trợ 2000 tỷ khắc phục kết cấu hạ tầng như: nhà ở, trường học, cơ sở hạ tầng... |