Với những cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, chuyến công du sắp tới của Tổng thống Barack Obama sẽ có ý nghĩa vô cùng đặc biệt. Hình ảnh của những năm tháng chiến tranh tại Việt Nam sẽ tái hiện trong tâm trí họ, cùng với đó là những kí ức đau buồn đã muốn xóa bỏ từ lâu nhưng không thể.
Khi chiếc Không lực Một chở Barack Obama hạ cánh xuống sân bay Nội Bài sáng 23/5 tới, xung quanh Tổng thống Mỹ sẽ là những phó nháy, những quay phim, những phóng viên dõi theo từng đường đi nước bước của ông, trên mảnh đất khi xưa đã từng lưu dấu chân những Chuck Hagel hay John McCain, nhưng trong một hoàn cảnh không thể đối lập hơn so với hiện tại.
Trả lời phỏng vấn New York Times, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel thừa nhận, ông đã chuẩn bị tinh thần chống chọi lại những "cơn bão" kí ức trong 12 tháng tham chiến tại Việt Nam.
Dù sau đó ông Hagel đã vượt qua nỗi buồn chiến tranh để trở thành một Thượng nghị sĩ, và rồi đứng đầu bộ Quốc phòng Mỹ, nhưng với người cựu chiến binh năm nay đã bước sang tuổi 70 này, 12 tháng tại Việt Nam vẫn mãi là khoảng thời gian đặc biệt nhất trong cuộc đời ông.
Với Tổng thống Obama, chuyến thăm Việt Nam sẽ là cơ hội để ông củng cố chính sách "xoay trục châu Á", cũng như đẩy mạnh hợp tác kinh tế và quốc phòng với một đối tác quan trọng trong khu vực.
Nhưng với những cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, một chuyến công du cấp nhà nước do đích thân Tổng thống của họ dẫn đầu, tới nơi rất nhiều người trong số họ đã mất đi tuổi xuân, mất đi sự hồn nhiên của những thanh niên mới bước sang tuổi 18, mất đi những người bạn, người thân, sẽ gợi lại trong họ những trạng thái cảm xúc khó kiểm soát.
"Còn rất nhiều tranh cãi về Việt Nam, và ý nghĩa cuộc chiến từ góc nhìn của Mỹ. Vẫn còn đó những bóng ma của chiến tranh luôn ám ảnh. Những mạng sống đã lãng phí, những kinh nghiệm rút ra, những bài học tồi tệ vẫn phủ bóng tâm trí cựu binh chúng tôi" - ông Hagel chia sẻ.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ còn nói thêm rằng, mỗi quyết định ông đưa ra trên cương vị ông chủ Lầu Năm Góc, mỗi lời khuyên ông dành cho Tổng thống Obama, đều ít nhiều có ảnh hưởng từ kinh nghiệm hun đúc trong những năm tháng chiến tranh tại Việt Nam.
Với những cựu binh Mỹ khác, chuyến thăm của ông Obama sẽ như một lời nhắc nhở cho 2 thế hệ người Mỹ sinh ra và lớn lên khi chiến tranh đã khép lại, về tầm quan trọng của cuộc chiến tại Việt Nam trong lịch sử nước Mỹ.
"[Cuộc chiến tại] Việt Nam gần như đã rơi vào quên lãng.
Phải trải qua những tháng ngày, với những kí ức đau thương bao trùm cả một thế hệ, để rồi nhìn chúng biến mất trong tâm trí thế hệ ngày nay như vậy, thật kinh ngạc" - Bobby Muller, một thương binh tham gia phong trào phản chiến, chia sẻ.
Ông Muller hiện đang sống ở Washington, trong một căn hộ đầy ắp những cuốn sách viết về cuộc chiến tại Việt Nam. Với người cựu chiến binh này, không gì có thể xóa đi nỗi tức giận trong ông đối với hai nhà lãnh đạo Mỹ thời chiến tranh, Richard Nixon và Henry Kissinger.
Richard Nixon (trái) và Henry Kissinger. Ảnh: WikiMedia
Bản thân ông Obama cũng là một người thuộc thế hệ sau chiến tranh, do đó, chuyến thăm của ông khó lòng trở thành một biểu tượng hàn gắn những vết thương tâm lý mà nhiều cựu binh Mỹ đã phải chịu đựng sau khi trở về từ chiến tranh, khi họ phải đón nhận sự miệt thị đến mức khinh bỉ từ người dân nơi quê nhà.
"Việc các cựu binh không được chào đón khi hồi hương thật sự là một nỗi hổ thẹn. Những anh lính 18, 19 tuổi được gọi nhập ngũ sau khi hoàn thành nghĩa vụ với đất nước trở về lại bị chính đồng bào mình phỉ nhổ, đúng theo nghĩa đen" - Thượng nghị sĩ John McCain, cựu chiến binh Mỹ từng bị bắt làm tù binh ở Việt Nam, chia sẻ với New York Times.
Và với một số cựu binh, chuyến thăm của ông Obama tới Việt Nam có lẽ sẽ một lần nữa gợi lại ký ức về sự rẻ rúng ngày nào.
Ông McCain chia sẻ, nỗ lực ủng hộ bình thường hóa quan hệ Việt-Mỹ là một trong những thành tựu đáng tự hào nhất trong sự nghiệp chính trị của ông.
Thượng nghị sĩ bang Arizona còn nói rằng ông thăm lại Việt Nam thường xuyên đến mức "nhiều người nhận ra tôi trên những con phố ở Hà Nội hơn cả khi tôi ở Phoenix (thủ phủ bang Arizona - PV)".
Ông McCain đứng bên cạnh bức tượng ghi lại cảnh máy bay của ông bị bắn rơi xuống hồ Trúc Bạch. Ảnh: Politico
Những nỗ lực ấy đã giúp ông McCain bỏ lại phía sau những kí ức đau buồn nhất của chiến tranh. Do đó, ông nói rằng ông sẽ không bị những hình ảnh về chuyến thăm Việt Nam của ông Obama làm phiền lòng.
Nhưng có những cách khác để vị Thượng nghị sĩ này gợi nhớ lại những kí ức chiến tranh.
"Cho đến tận bây giờ, đôi lúc tôi vẫn dậy thật sớm để tới Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam khi bình minh lên. Đó là trải nghiệm giúp tôi ngẫm nghĩ, hồi tưởng về những ngày tháng ấy".