Trong tâm khảm của người dân hai nước Việt Nam - Lào, ai cũng nhớ câu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Việt - Lào hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”. Suốt nhiều năm qua, trải qua nhiều thế hệ nhưng nhân dân hai nước vẫn luôn chung lòng, chung sức, kề vai sát cánh, quyết tâm gìn giữ mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thành phố Hà Nội đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 - 5/9/2017) và 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2017). Ảnh: TTXVN
Ông Kong Kẹo Xay Xống Kham - Ủy viên Trung ương Đảng nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Bôlykhămxay: Luôn trân trọng, biết ơn những sự giúp đỡ chí tình của Hà Tĩnh.
Hà Tĩnh - Bôlykhămxay là hai tỉnh kết nghĩa, có chung đường biên giới và Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo – Nậm Phào. Những năm qua, chính quyền và nhân dân tỉnh Bôlykhămxay đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ, hợp tác của chính quyền và nhân dân Hà Tĩnh trên các lĩnh vực. Hàng năm, tỉnh đã gửi hàng trăm học sinh sang đào tạo trên các lĩnh vực: Quản lý, giáo dục, y tế, khoa học kỹ thuật tại các trường đại học, cao đẳng ở Hà Tĩnh.
Nhờ được đào tạo bài bản, chất lượng nên số sinh viên này sau khi ra trường trở về nước làm việc đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển chung của tỉnh. Năm 2016, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức tập huấn sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu cho cán bộ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bôlykhămxay. Sau khóa tập huấn, nhiều cơ sở sản xuất nấm của Bôlykhămxay được hình thành, tạo việc làm và thu nhập cho người dân địa phương. Chúng tôi luôn trân trọng, biết ơn những tình cảm, sự giúp đỡ chí tình của tỉnh Hà Tĩnh và tin rằng, tình cảm hai nước anh em Việt - Lào sẽ trường tồn trong những chặng đường phát triển mới.
Bà Nguyễn Thị Vắng - Phường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh: Thật hạnh phúc khi được các bạn trẻ Lào gọi bằng “ngoại”.
Từng có những năm tháng sống trên đất nước bạn nên tôi rất yêu mến và đồng cảm với những người Lào. Với tôi, ấn tượng về con người, đất nước Lào là sự thủy chung son sắt, là mối đồng cam cộng khổ giữa những năm tháng cùng chiến đấu chống kẻ thù. Còn tình cảm hữu nghị được thể hiện qua những cô cậu sinh viên nước Lào du học tại Việt Nam.
Hiểu được những khó khăn, vất vả của các em, từ những năm 1991-1992, tôi đã thường xuyên đến trường - nơi các em theo học để động viên, nấu ăn, chăm sóc và xem bọn trẻ như con cháu. Có khi nhiều em bị đau ruột thừa phải mổ cấp cứu giữa đêm, chính tôi cũng đã thay mặt gia đình đưa các em vào bệnh viện. Vào dịp lễ, tết truyền thống Lào, tôi cũng may mắn được tổ chức lễ tắm Phật, lễ buộc chỉ cổ tay cho các em.
Và thật hạnh phúc khi được các bạn sinh viên Lào gọi bằng “ngoại”, thường xuyên đến nhà tổ chức nấu những món ăn của Lào như lạp, tép nhảy, tam-maak-hung (nộm đu đủ)… và hát múa, thăm hỏi như những người thân trong gia đình. Những tình cảm thắm thiết, mặn nồng ấy đã khiến sinh viên Lào đã xem Việt Nam như quê hương thứ 2 của mình.
Thiếu tá Lê Tiến Thiện - Đội Quy tập Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh: Sâu đậm tình quân dân cá nước.
Những năm tháng Đội Quy tập tỉnh ta tiến hành khảo sát, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào, chính quyền, bộ đội và nhân dân các bộ tộc Lào đã luôn sát cánh cùng chúng tôi thực hiện nhiệm vụ. Phải nói rằng, phần lớn công việc đều dựa vào nhân dân nước bạn. Đối với tỉnh Bôlykhămxay và Thủ đô Viêng Chăn do Hà Tĩnh phụ trách, các cán bộ chúng tôi được bộ đội và nhân dân tại đó giúp đỡ hết sức tận tình. Bộ đội Lào đã nhường chỗ cho chúng tôi ở và cùng với dân làng chỉ đường, hướng dẫn cho bộ đội Việt Nam khảo sát, tìm kiếm hài cốt liệt sỹ. Mỗi lần phải vào rừng sâu, những nơi nguy hiểm, họ còn cử người đi theo bảo vệ, cùng đồng cam cộng khổ với bộ đội Việt Nam.
Tôi còn nhớ có nhiều đêm, các bạn Lào canh cho chúng tôi ngủ. Những lúc bộ đội ta đuối sức, họ giúp mang vác hành lý, lương thực cho những chuyến xuyên rừng. Có lúc ở trong rừng sâu, hết lương thực, người Lào đi săn, bắt cá, đêm tối chặt lá cây làm bạt che cho bộ đội Việt Nam ngủ, nhen lửa sưởi ấm nếu trời lạnh… Trong quá trình tìm kiếm, chúng tôi đã ăn, ở, ngủ, nghỉ cùng nhau, chia cho nhau từng miếng cơm, manh áo, cùng nhau chịu khó, chịu khổ để có thể hoàn thành công việc tốt nhất. Sự chân phương, thân thiện, gần gũi, nghĩa tình của những người bạn Lào giúp chúng tôi thấm thía tình cảm quân dân cá nước giữa bộ đội Việt Nam với nhân dân Lào trong những năm tháng chiến tranh gian khổ cho đến tận ngày nay.
Bạn Chăm Xú Đa - Sinh viên lớp Hướng dẫn viên K1, Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nguyễn Du: Mong muốn gắn bó lâu dài với mảnh đất Hà Tĩnh.
Đây là năm thứ 3 em theo học tại Hà Tĩnh. Em rất vui được sinh sống và học tập ở môi trường này bởi con người Hà Tĩnh rất hiền lành, thân thiện. Chúng em được thầy, cô giáo tạo điều kiện rất nhiều trong học tập, từ hỗ trợ chỗ ăn, chỗ ở tại ký túc xá, hướng dẫn trong học tập, trau dồi tiếng Việt đến tạo việc làm thêm. Các bạn trong trường tốt bụng, nhiệt tình, luôn giúp đỡ rất nhiều và chúng em chơi với nhau hòa đồng. Thời gian đầu mới sang, em chưa nói sõi tiếng Việt, nếu không có sự trợ giúp của thầy cô và các bạn thì chúng em sẽ rất khó khăn.
Chăm Xú Đa (áo nâu) cùng Tai Dao mong muốn gắn bó lâu dài với mảnh đất Hà Tĩnh
Học tập ở Việt Nam, chúng em có cảm giác như đang ở giữa quê hương mình. Ngày lễ, tết, các tục lệ, nghi lễ của chúng em được nhà trường tổ chức như bên Lào và ngược lại, khi đến các ngày lễ, tết của Việt Nam, chúng em cũng được tham gia cùng các bạn Việt Nam rất vui và thú vị. Chúng em còn được đi tham quan, tìm hiểu về các địa danh văn hóa, lịch sử trong và ngoài tỉnh Hà Tĩnh, nhờ đó, hiểu thêm về văn hóa, truyền thống, lịch sử của đất nước Việt Nam và nếu có cơ hội thì em muốn ở lại đây làm việc.