Sau gần 8 năm hình thành và phát triển, Vũng Áng được đánh giá là một trong những Khu kinh tế (KKT) phát triển nhanh, thành công nhất cả nước hiện nay. Nơi đây đang dần định hình một thành phố công nghiệp, TM-DV… mang lại niềm hy vọng, tự hào không chỉ riêng người dân Hà Tĩnh mà của nhân dân cả nước.
Tiềm năng và lợi thế
KKT Vũng Áng được thành lập theo Quyết định số 72/2006/QĐ-TTg ngày 3/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ với tổng diện tích 22.781 ha, bao gồm 9 xã phía Nam huyện Kỳ Anh. Địa thế thuận lợi, lưng tựa vào núi, mặt hướng ra biển với cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương có thể tiếp nhận tàu trọng tải 5-30 vạn tấn. Đặc biệt, KKT Vũng Áng nằm trên trục giao thông Bắc Nam, QL 12 nối hành lang kinh tế Đông Tây của các nước Lào, Thái Lan, thuận lợi cho sự phát triển về KT-XH và du lịch, dịch vụ.
Trên công trường xây dựng lò cao thuộc dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương FORMOSA. Ảnh: P.V. |
KKT Vũng Áng có quỹ đất rộng, phù hợp phát triển công nghiệp và đô thị. Mặt khác, thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này địa hình đa dạng, có điều kiện phát triển TM-DV, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và đặc biệt là du lịch biển. Từ KKT Vũng Áng theo QL 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc Nam, có thể giao lưu kinh tế với mọi vùng trong cả nước. Từ cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương theo tuyến đường hàng hải quốc tế thuận tiện đến các nước Nam Á, Bắc Mỹ và châu Âu; đây cũng là cửa ngõ ra biển của nước bạn Lào và Đông Bắc Thái Lan.
KKT Vũng Áng có chiều dài bờ biển hơn 40 km, hiện là một trong 5 KKT trọng điểm của cả nước, có không gian kinh tế riêng biệt. Với định hướng xây dựng, phát triển để trở thành KKT đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là luyện cán thép, cảng biển nước sâu, nhiệt điện, lọc hóa dầu… KKT Vũng Áng đang là điểm nhấn của vùng kinh tế Bắc Trung bộ.
8 năm thu hút trên 80 dự án
Tính đến hết tháng 8/2014, KKT Vũng Áng đã thu hút 86 dự án với số vốn đăng ký trên 17 tỷ USD. Trong đó có 37 dự án nước ngoài và 49 dự án trong nước, góp phần tạo việc làm cho khoảng 30 ngàn lao động với mức thu nhập bình quân 5-6 triệu đồng/ người/tháng. Giá trị sản xuất công nghiệp của Hà Tĩnh những năm gần đây nhờ vậy đã tăng hàng chục lần so với trước. Tính riêng trong năm 2013, các doanh nghiệp (DN), tổ chức kinh tế đứng chân trên địa bàn KKT Vũng Áng đã nộp ngân sách hơn 2,7 ngàn tỷ đồng, góp phần đưa Hà Tĩnh dẫn đầu cả nước về tỷ lệ tăng thu ngân sách. Dự kiến, đến hết 2014, các DN tại KKT Vũng Áng sẽ thu hút khoảng 40 ngàn lao động trong và ngoài nước đến làm việc. Trong đó, khoảng 2/3 là lao động nội địa; thu nhập bình quân 6-10 triệu đồng/người/tháng.
Trên công trường thi công Nhà máy Nhiệt điện của Tập đoàn FORMOSA tại KKTVũng Áng. |
Ông Hồ Anh Tuấn - Trưởng ban quản lý các KKT Hà Tĩnh chia sẻ: “Thời gian tới, để KKT Vũng Áng xứng đáng là trung tâm công nghiệp nặng của khu vực và đầu tàu xâu chuỗi các hoạt động kinh tế của Hà Tĩnh nói riêng, cả nước nói chung, chúng tôi sẽ tập trung xây dựng, phát triển KKT Vũng Áng theo hướng đa ngành, đa nghề, đa lĩnh vực (công nghiệp, đô thị, dịch vụ...). Trong đó, hạt nhân là trung tâm luyện cán thép, lọc hóa dầu, trung tâm nhiệt điện Vũng Áng gắn với cụm cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương”.
Để những chiến lược đó nhanh chóng trở thành hiện thực, ban phối hợp với các bộ, ngành trung ương, địa phương tập trung hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết các khu chức năng trong KKT Vũng Áng; đồng thời, đa dạng hóa huy động nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng như hệ thống cầu, cảng, giao thông nội bộ... Bên cạnh đó, phải tính toán nhằm có chiến lược dài hạn về phát triển nguồn nhân lực cung cấp cho các dự án lớn; quan tâm phát triển kết cấu hạ tầng xã hội (cơ sở đào tạo, văn hóa, sinh hoạt, chữa bệnh v.v...); đẩy mạnh xúc tiến, đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư theo hướng hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, giảm thiểu các thủ tục, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư.
Sự phát triển của KKT Vũng Áng những năm gần đây đã góp phần thay đổi cơ bản cơ cấu kinh tế của Hà Tĩnh theo hướng tăng mạnh tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và từng bước đưa Hà Tĩnh trở thành hạt nhân tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GDP của tỉnh từ năm 2010 đến nay bình quân trên 14%; giá trị sản xuất công nghiệp có tốc độ tăng bình quân trên 50%/năm.
Đặc biệt, những năm qua, các DN trong KKT Vũng Áng đã đóng góp cho ngân sách tỉnh nhà hàng ngàn tỷ đồng, một con số rất đáng ghi nhận trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và quốc tế đang có nhiều biến động như hiện nay…
Với những con số thực tế này, chắc chắn trong tương lai gần, KKT Vũng Áng sẽ trở thành vùng kinh tế trọng điểm của cả khu vực Bắc Trung bộ.