Hơn nửa thế kỷ đã qua, dù tình hình thế giới có nhiều đổi thay, song dưới sự lãnh đạo của hai Đảng, nhân dân Việt Nam và nhân dân các bộ tộc Lào luôn kề vai, sát cánh trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của mỗi nước.
Lê Đình Sơn - Ủy viên BCH Trung ương Đảng,
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn trao quà lưu niệm của tỉnh Hà Tĩnh cho Bí thư kiêm Tỉnh trưởng Ô Đay Xủ Đa Phon tại hội nghị cấp cao thường niên 2 tỉnh Hà Tĩnh và Khăm Muộn vào ngày 15/6/2017
55 năm trước, sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ về Lào được ký kết, Việt Nam và Lào đã thống nhất thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 5/9/1962, mở ra một chương mới trong việc củng cố, phát triển mối quan hệ giữa hai nước. Trong nhiều thập kỷ qua, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, thủy chung, trong sáng giữa hai dân tộc đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản và Chủ tịch Xu-pha-nu-vông đặt nền móng, các thế hệ lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước dày công vun đắp, tôi luyện qua nhiều thử thách, hy sinh và trở thành tài sản vô giá.
Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và giành độc lập của mỗi nước, sự gắn bó khăng khít, sự hỗ trợ, giúp đỡ vô tư, chí tình, chí nghĩa giữa Việt Nam - Lào đã trở thành sức mạnh vô song và là nhân tố quan trọng góp phần đưa cách mạng hai nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, tiến tới thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975.
Bước vào thời kỳ mới - thời kỳ hòa bình, xây dựng đất nước, nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, ngày 18/7/1977, hai nước đã ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác, khẳng định tình đoàn kết đặc biệt trước sau như một; hợp tác, ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước. Từ đó đến nay, quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào không ngừng được củng cố, đổi mới và phát triển sâu rộng.
Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (BĐBP Hà Tĩnh) và Đại đội Bảo vệ biên giới 253 (Bộ CHQS tỉnh Bôlykhămxay) chào nhau tại cột mốc đại 476.
Góp phần quan trọng xây dựng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt - Lào, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã đẩy mạnh hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, không chỉ đối với hai tỉnh giáp biên giới mà còn với Thủ đô Viêng Chăn và các tỉnh khác của Lào. Hằng năm, lãnh đạo cấp cao hai bên đã tổ chức các cuộc hội nghị, hội đàm, ký kết thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực: Giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa - thể thao và du lịch, khoa học - công nghệ, thương mại - đầu tư, giao thông vận tải, công tác biên giới, đối ngoại nhân dân...
Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương, đặc biệt là các huyện, xã biên giới của Hà Tĩnh với các tỉnh bạn Lào thường xuyên phối hợp tổ chức giao lưu trao đổi kinh nghiệm, ký kết hợp tác để cụ thể hóa các lĩnh vực mà tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh bạn đã ký kết, đưa lại hiệu quả rõ nét trong công tác bảo vệ biên giới, phát triển KT-XH của mỗi bên.
Để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh của Lào ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 20/9/2013; trên cơ sở đó, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch số 381/KH-UBND ngày 4/10/2013 về việc tổ chức phong trào kết nghĩa các đơn vị cơ sở bảo vệ biên giới, các cụm dân cư hai bên biên giới giữa Hà Tĩnh với các tỉnh của nước bạn Lào. Đến nay, đã có 3 đồn biên phòng của Hà Tĩnh ký kết nghĩa với Đồn Công an, Đại đội Bảo vệ Biên giới hai tỉnh Bôlykhămxay và Khăm Muộn của Lào; ký kết nghĩa 3 cặp thôn, bản, cụm dân cư hai bên biên giới (xã Sơn Kim 1, Hương Sơn với bản Thoọng Pẹ; xã Sơn Kim 2 với bản Na Pê, huyện Khăm Cợt; thôn 11, xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn với bản Xốp Tơng, huyện Xay Chăm Pon).
Từ năm 1999 đến nay, được sự giúp đỡ của chính quyền và nhân dân các bộ tộc Lào anh em, Hà Tĩnh đã tìm kiếm, cất bốc và quy tập được 750 hài cốt liệt sĩ, quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào về nước an táng. Bên cạnh đó, thực hiện công tác bảo vệ an ninh biên giới, các lực lượng đã đấu tranh thắng lợi nhiều chuyên án, vụ án, kế hoạch, trong đó có nhiều chuyên án lớn về ma túy. Các ngành chức năng liên quan của tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng quản lý, các ngành liên quan của bạn thực hiện nghiêm túc, nhanh chóng, đúng quy trình công tác kiểm soát xuất nhập cảnh, giám sát hải quan, kiểm dịch tại Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.
Cùng với các tỉnh trên tuyến biên giới Việt - Lào, Hà Tĩnh là địa phương đầu tiên hoàn thành công tác tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào. Đây là minh chứng thuyết phục thể hiện đầy đủ mối quan hệ truyền thống, hữu nghị, đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chung, hợp tác cùng phát triển.
Trên lĩnh vực KT-XH, tỉnh Hà Tĩnh luôn chủ động, tạo điều kiện và hỗ trợ, giúp đỡ các tỉnh bạn Lào để đưa mối quan hệ từng bước đi vào thực chất và hiệu quả. Là tỉnh có chung đường biên giới với hai tỉnh Bôlykhămxay và Khăm Muộn với chiều dài 145 km, Hà Tĩnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo các ngành cung cấp thông tin, giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, hợp pháp đối với các doanh nghiệp của Lào có nhu cầu tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư tại Hà Tĩnh; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật tình hình hoạt động và hỗ trợ các doanh nghiệp Hà Tĩnh SXKD, hợp tác đầu tư hiệu quả tại Lào. Nhiều doanh nghiệp của Hà Tĩnh đã đầu tư, triển khai thành công nhiều dự án trên đất bạn, như: Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh, Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh, Công ty cổ phần Cảng Vũng Áng Việt - Lào. Một số công ty của Lào cũng đã đầu tư SXKD tại Khu kinh tế Vũng Áng và các địa phương khác trong tỉnh.
Sở KH&CN Hà Tĩnh chuyển giao công nghệ sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu cho cán bộ ngành KH&CN nước CHNCND Lào trong năm 2016.
Đồng hành với nước bạn Lào trong chiến lược đào tạo nhân lực, hằng năm, Hà Tĩnh tiếp nhận đào tạo tiếng Việt và chuyên ngành, hệ đại học, cao đẳng, trung cấp và cao đẳng nghề cho hàng nghìn cán bộ, học sinh, sinh viên các tỉnh của Lào. Hiện nay, Hà Tĩnh là địa phương tiếp nhận đào tạo tiếng Việt và chuyên ngành hệ đại học, cao đẳng, trung cấp và cao đẳng nghề cho cán bộ, học viên các tỉnh của Lào lớn nhất đang học tập tại Việt Nam. Trường Đại học Hà Tĩnh và các trường cao đẳng của tỉnh hiện đang đào tạo hơn 2.500 cán bộ, học sinh, sinh viên đến từ 17 tỉnh của Lào. Mặc dù điều kiện ngân sách của tỉnh còn khó khăn, nhưng bình quân mỗi năm, Hà Tĩnh trích ngân sách từ 6 - 8 tỷ đồng hỗ trợ cho công tác đào tạo cán bộ, học sinh, sinh viên của nước bạn. Cán bộ, học sinh Lào được đào tạo tại Hà Tĩnh sau khi về nước đã góp phần đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cho các địa phương của Lào.
Mối quan hệ hợp tác văn hóa, thể thao và du lịch giữa tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh bạn Lào những năm gần đây đã phát triển lên tầm cao mới. Tỉnh Hà Tĩnh đã tích cực quảng bá, xúc tiến du lịch trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, đồng thời chủ động làm cầu nối liên doanh, liên kết du lịch giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước cùng tham gia quảng bá tiềm năng, cơ hội phát triển du lịch theo các tour du lịch với các tỉnh của Lào qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo - Nậm Phào (đường 8) và Cửa khẩu Cha Lo - Na Phạu (đường 12); rà soát, đánh giá, tiếp tục triển khai những cam kết song phương, đa phương về du lịch; hợp tác xây dựng sản phẩm du lịch liên quốc gia trên hành lang kinh tế Đông Tây. Tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh của Lào như Bôlykhămxay, Khăm Muộn đã cử các đoàn sang giao lưu văn hóa, thể thao và tham dự các sự kiện lớn của nhau. Nhân dịp tết cổ truyền Lào hằng năm, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức Tết Té nước cho học sinh và kiều bào Lào đang sinh sống, học tập trên địa bàn tỉnh, tạo không khí vui tươi, sôi nổi, gắn kết và giao thoa nền văn hóa Việt Nam - Lào.
Nhìn lại chặng đường lịch sử 55 năm qua, đặc biệt, qua 40 năm thực hiện Hiệp ước hữu nghị và hợp tác, nhân dân hai nước Việt Nam - Lào thực sự tự hào về mối quan hệ đoàn kết, thủy chung, son sắt, mẫu mực hiếm có giữa hai dân tộc anh em. Ngày nay, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Lào đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi mới. Cuộc cách mạng khoa học - công nghệ lần thứ tư đang phát triển nhanh chóng; toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; hòa bình, phát triển và cùng nhau giải quyết những thách thức toàn cầu là xu hướng chung của nhân loại.
Hội Thầy thuốc trẻ phối hợp với BVĐK tỉnh Hà Tĩnhtổ chức khám, chữa bệnh tình nguyện và cấp thuốc miễn phí cho bà con nhân dân tại làng Hữu nghị Việt – Lào (huyện Căm Cợt tỉnh Bôlykhămxay).
Tuy vậy, tình hình thế giới và khu vực đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Hoạt động khủng bố, xung đột sắc tộc, tôn giáo tiếp tục gia tăng; cạnh tranh chiến lược của các nước lớn ngày càng quyết liệt; tranh chấp lãnh thổ, biển đảo diễn biến phức tạp; các thế lực phản động tiếp tục gia tăng chống phá, chia rẽ mối quan hệ Việt Nam - Lào.
Để tăng cường hợp tác toàn diện, đưa quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào lên tầm cao mới, trong thời gian tới, tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh bạn Lào cần tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân hai nước, đặc biệt là giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống quan hệ Việt Nam - Lào. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện có hiệu quả những thỏa thuận, cam kết đã ký kết giữa Hà Tĩnh và các tỉnh bạn Lào. Thường xuyên giữ gìn mối quan hệ hợp tác bằng các hoạt động hiệu quả, thiết thực, toàn diện trên các lĩnh vực. Chú trọng thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế… Phối hợp xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển. Không ngừng thúc đẩy quan hệ hợp tác ngày càng sâu rộng và toàn diện, góp phần gìn giữ, vun đắp mối quan hệ Việt - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững và phát triển lên tầm cao mới./.