Kỷ niệm 10 năm Dân ca Ví, Giặm được UNESCO ghi danh (2014-2024), tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Nghệ An tổ chức Festival “Về miền Ví, Giặm - Kết nối tinh hoa di sản”. Chương trình sẽ được tổ chức tại thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh từ ngày 27 đến 30/11/2024.
Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của người dân xứ Nghệ. |
Festival “Về miền Ví, Giặm - Kết nối tinh hoa di sản” được tổ chức nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị của Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, kết nối các di sản của Việt Nam, thực hiện cam kết của Việt Nam trong việc bảo vệ các di sản văn hóa được UNESCO ghi danh.
Chương trình sẽ có sự tham gia của Đoàn nghệ thuật các tỉnh Bắc Ninh, Phú Thọ, Quảng Nam, Lâm Đồng, Nghệ An và chủ nhà Hà Tĩnh, với các loại hình nghệ thuật trình diễn gồm: Dân ca Quan họ Bắc Ninh; Hát Xoan Phú Thọ; Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ (Quảng Nam; Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên (Lâm Đồng); Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh (Nghệ An và Hà Tĩnh).
Theo Ban tổ chức, cầu truyền hình trực tiếp chương trình nghệ thuật “Đôi bờ Ví, Giặm” diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 27/11 sẽ mở đầu cho chuỗi hoạt động Festival kỷ niệm 10 năm Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh với các tiết mục nghệ thuật đặc sắc, ân tình, ấn tượng đầy ý nghĩa của hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An ở 2 đầu cầu; cùng gắn kết, giới thiệu nét tinh hoa của Dân ca Ví, Giặm tới đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần gìn giữ phát huy và lan tỏa mạnh mẽ giá trị của di sản trong đời sống đương đại, tạo dấu ấn phát huy, biến tiềm năng văn hóa thành động lực phát triển kinh tế-xã hội.
...và lan tỏa trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. |
Trong khuôn khổ Festival, tỉnh Hà Tĩnh sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến du lịch Hà Tĩnh năm 2024 tại tầng 5, Khách sạn Melia Vinpearl Hà Tĩnh từ 14 giờ ngày 27/11/2024. Đây là hoạt động gắn với các sự kiện văn hóa nổi bật trong tỉnh nhằm tạo thành chuỗi các sự kiện văn hóa, du lịch, góp phần giới thiệu tiềm năng du lịch, điểm đến, sản phẩm du lịch, dịch vụ, các chương trình kích cầu du lịch để quảng bá, khẳng định thương hiệu, hình ảnh du lịch Hà Tĩnh; đẩy mạnh các hoạt động liên kết quảng bá, xúc tiến điểm đến, tạo cơ hội để các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối với doanh nghiệp du lịch của các tỉnh nhằm tăng cường trao đổi, hợp tác phát triển du lịch .
Từ ngày 28-29/11/2024 sẽ diễn ra các hoạt động Trưng bày và trình diễn di sản văn hóa kết hợp sản phẩm du lịch tại thành phố Hà Tĩnh.
Theo Ban tổ chức, một trong những điểm nhấn của Festival lần này là Hội nghị - Hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh” được tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh Nghệ An và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức nhằm đánh giá kết quả thực hiện và tiếp tục đề ra những giải pháp bảo tồn, phát huy những giá trị của di sản Dân ca Ví, Giặm. Quảng bá, giới thiệu những giá trị đặc sắc, tinh hoa, độc đáo của Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Xen kẽ các hoạt động của Festival là chương trình biểu diễn nghệ thuật của các đơn vị, địa phương tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh.
Cũng nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Festival, Cuộc thi “Tìm kiếm tài năng Ví, Giặm đã được tổ chức với sự tham gia của 65 bài dự thi trong đó có 10 thể loại tập thể đến từ mọi miền đất nước. Theo đánh giá, hầu hết các tác phẩm có sự đầu tư về mặt âm thanh, hình ảnh, bố trí quay ngoại cảnh công phu. Tác phẩm ở thể loại đơn ca-đối ca chiếm số lượng lớn, chất lượng tốt. Lượt xem đạt từ 1.000 đến hơn 4.000 lượt chỉ sau vài ngày đăng tải. Tác phẩm có lượt xem nhiều nhất đạt hơn 17.000 lượt. Ban tổ chức đã lựa chọn được 6 giải tập thể, 6 giải đơn ca và song ca và 5 giải lan tỏa căn cứ lượt xem trên hệ thống trực tuyến.
Ngày 27/11/2014 tại thủ đô Paris, Pháp, Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm vui và niềm tự hào của nhân dân 2 tỉnh Hà Tĩnh-Nghệ An và cả nước, ngoài ra thế giới cũng đánh giá cao về loại hình nghệ thuật trình diễn Dân ca Ví, Giặm. Chính vì thế mà cộng đồng và chính quyền địa phương càng có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn, truyền dạy, khuyến khích thế hệ trẻ tích cực học tập và tham gia trình diễn, nhằm bảo tồn và phát huy một cách bền vững di sản văn hóa phi vật thể này.